Thứ Sáu, 20/05/2022, 10:23 (GMT+7)
.
"BÃO GIÁ" ĐÈ NẶNG NGƯỜI DÂN

BÀI 1: Hàng hóa "té nước theo mưa"

Trước tác động của giá xăng, dầu cùng với việc nguồn nguyên liệu khan hiếm, nhiều hàng hóa đã tăng giá mạnh. Giữa cơn “bão giá”, người dân và doanh nghiệp đang phải chật vật để xoay trở.

Sau 3 đợt giảm giá, giá xăng, dầu tăng trở lại và lập đỉnh mới đã tác động đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.

Giá xăng, dầu tăng cao đã tác động lớn đến nhiều lĩnh vực. Nhiều mặt hàng tăng giá mạnh, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đã tác động không nhỏ đến đời sống người dân.

TÁC ĐỘNG NHIỀU LĨNH VỰC

Thời điểm tháng 2-2022, khi giá xăng, dầu liên tục tăng, vận tải và xây dựng là những lĩnh vực chịu tác động rõ nhất. Xăng, dầu tăng giá dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao, dù các đơn vị vận tải cố gắng “gồng mình” để giữ giá cước, nhưng cũng không thể giữ nổi. Nhiều đơn vị buộc phải tăng giá cước vận chuyển để không bị thua lỗ. Thời điểm này, nhiều đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa đã tăng cước vận chuyển. Theo ghi nhận, nếu trước dịch, một số nhà xe vận tải hành khách khai thác tuyến TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) - TP. Hồ Chí Minh với giá vé 60.000 đồng/vé thì hiện đã tăng lên 80.000 đồng/vé. 

Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh.
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh.

Trên lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng liên tục tăng giá cũng do tác động của giá xăng, dầu. Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-XD Tư Lợi (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho), hiện giá vật liệu xây dựng đang biến động rất lớn. Sắt, thép là mặt hàng tăng mạnh nhất, kế đến là xi măng, gạch, cát, đá... Theo ông Cường, giá xăng, dầu tăng đang tác động rất lớn đến thị trường vật liệu xây dựng. Vật giá leo thang nên việc buôn bán không có lãi nhiều do chi phí tăng cao.

Hiện nay, thị trường vật liệu xây dựng chịu tác động lớn của thế giới. Cụ thể, phôi thép, clinker để sản xuất xi măng đều phải nhập khẩu. Chưa kể, nguồn than đá để nung gạch cũng đang có giá tăng gấp 3 lần khiến giá gạch xây tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021; giá gạch lót nền, ốp tường cũng tăng khoảng 20%. Với việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, nên nhu cầu xây dựng trong người dân giảm.

Với việc hàng hóa tăng giá do tác động của giá xăng, dầu, ngành hàng ăn uống cũng khó tránh khỏi việc ảnh hưởng. Qua ghi nhận, hiện do giá thực phẩm tăng nên một số quán ăn trên địa bàn tỉnh đã tăng giá bán nhẹ. Biến động này được thể hiện rõ qua giá bán tại một số quán ăn kinh doanh các món như: Hủ tiếu, phở… Dù giá chỉ tăng khoảng vài ngàn đồng/1 đơn vị, nhưng nếu làm bài toán thì tỷ lệ tăng cũng khá đáng kể.

Bên cạnh 2 lĩnh vực nói trên, những ngày qua, giá xăng, dầu đã tác động mạnh đến nhóm hàng thực phẩm phục vụ đời sống người dân. Giá nhóm hàng này đã tăng, nhiều mặt hàng có giá biến động tăng mạnh.

Theo chủ tiệm tạp hóa 419 trên đường Thái Sanh Hạnh (phường 8, TP. Mỹ Tho), cửa hàng của gia đình chủ yếu bán phục vụ sinh viên. Hiện nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh, đặc biệt là dầu ăn và mì gói. “Giá hàng hóa biến động như hiện nay nên tôi không dám trữ hàng” - chủ tiệm tạp hóa này cho biết.

Còn theo chủ quầy hàng Tân Kim Loan tại chợ Mỹ Tho (phường 1, TP. Mỹ Tho), trước tác động của giá xăng, dầu, một số loại khô cũng đã tăng giá nhẹ. Cụ thể, khô mực tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/kg (tùy theo loại). Ngoài ra, giá xăng, dầu tăng cũng dẫn đến các mặt hàng rau, củ tăng giá theo. Theo một tiểu thương tại chợ Cũ, (phường 8, TP. Mỹ Tho) mấy ngày qua, giá các loại rau màu như: Khổ qua, dưa leo… tăng khoảng 5.000 đồng/kg, chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng.

NỖ LỰC GIỮ GIÁ

Thực tế cho thấy, hiện không chỉ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp khi hàng hóa tăng giá, mà các đơn vị sản xuất, nhà phân phối cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát (TP. Mỹ Tho), hiện giá các mặt hàng tiêu dùng tăng từ 5% - 20%, tùy theo nhóm hàng; chi phí vận chuyển cũng tăng khoảng 20%. Nhóm hàng tăng cao nhất là các loại bánh, kẹo… Do các chi phí vận chuyển, đầu vào tăng cao nên bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải tăng giá hàng hóa. Hiện sức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 70% - 80% so với trước dịch.

Trước kia, các dòng nước giải khát cao cấp bán rất tốt nhưng hiện đang chựng lại, giảm khoảng 60% doanh số. Nguyên nhân là do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Doanh nghiệp đang bị giảm lợi nhuận, doanh số bán hàng. Công ty đang “gồng mình” cùng các nhà sản xuất để giữ giá ở mức chấp nhận được. Cũng theo ông Võ Chí Thành, nếu trong những tháng tới, tình hình không cải thiện, các nhà cung ứng sẽ tiếp tục tăng giá các mặt hàng để “gồng gánh” các khoản lỗ.

Dầu ăn, mì gói… đang tăng khá mạnh.
Giá dầu ăn, mì gói… đang tăng khá mạnh.

Trên thực tế, việc giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh dẫn đến hàng hóa tăng giá là điều khó tránh khỏi. Không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà ngay cả các nhà sản xuất cũng gặp khó khăn. Nhiều đơn vị phải cân nhắc khi tính đến việc tăng giá.

Ông Phạm Chí Công, Giám đốc Co.opmart Gò Công cho biết, từ đầu năm đến nay, đợt tăng giá hàng hóa hiện tại là đáng chú ý nhất vì biên độ tăng và số lượng mặt hàng buộc phải tăng giá là rất lớn.

Nếu nguyên nhân tăng giá trước Tết Nguyên đán 2022 là do khó khăn về vận chuyển, nhân công, nguyên liệu do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 thì hiện việc tăng giá còn có sự cộng hưởng của giá xăng, dầu tăng.

Trước tình hình trên, Co.opmart Gò Công đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để giữ giá, đặc biệt là giữ giá các mặt hàng thiết yếu được ổn định. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích sức mua chưa cao như hiện nay.

Ông Phạm Chí Công nhấn mạnh, chủ trương của Co.opmart Gò Công là kiên quyết nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và để thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường. Những mặt hàng nào bắt buộc tăng giá thì siêu thị mới tăng.

Tuy nhiên, nếu muốn tăng giá, đơn vị cung cấp phải chứng minh được chi phí đầu vào tăng một cách khách quan và ảnh hưởng trực tiếp lên chi phí sản xuất của lô sản phẩm đó. Ngoài ra, việc áp dụng tăng giá còn phải xem xét dựa trên sức mua chung và độ trễ đặc trưng của từng ngành hàng. Do đó, trong bối cảnh sức mua chung vẫn còn yếu, nhà phân phối và nhà cung cấp phải cùng nhau nắm tay để giữ giá.

TRỌNG ĐẠT

(Còn tiếp)


 

.
.
.