Thứ Sáu, 17/06/2022, 07:31 (GMT+7)
.

Tăng mạnh trong tháng 5 vẫn chưa thể tạo 'đột phá' cho ngành gạo

Xuất khẩu gạo trong tháng 5-2022 đã có sự tăng trưởng khá cao cả về lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ lực để có thể kéo luỹ kế xuất khẩu của ngành hàng này trong 5 tháng đầu năm nay có được đột phá khác biệt so với cùng kỳ.

Tăng xuất khẩu tháng 5-2022 vẫn chưa thể tạo đột phát cho ngành gạo Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh
Tăng xuất khẩu tháng 5-2022 vẫn chưa thể tạo đột phát cho ngành gạo Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương, trong tháng 5-2022, xuất khẩu gạo đạt hơn 710.300 tấn với trị giá đạt trên 347 triệu đô la Mỹ, tăng 27,8% về lượng và 25,8% về giá trị so với cùng kỳ.

Kết quả xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng 5-2022 được xác định do nhu cầu từ thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Philippines khi có khối lượng đạt gần 355.000 tấn với trị giá đạt trên 167 triệu đô la Mỹ, tăng 54,8% về lượng và 38,4% về giá trị so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng 5-2022 tăng 22,6% về lượng (đạt 91.675 tấn) và 25,5% về kim ngạch (đạt 47,95 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ cũng góp phần đưa tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ như đã nêu ở trên.

Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về danh sách tàu cập cảng TPHCM và Mỹ Thới (tỉnh An Giang) cho thấy, trong tháng 5-2022 có 53 tàu vào hai cảng này xếp hàng với khối lượng khoảng 412.000 tấn, trong khi tháng trước đó, có 43 tàu vào cảng TPHCM và Mỹ Thới xếp hàng với khối lượng khoảng 287.800 tấn.

Tuy nhiên, do xuất khẩu gạo không mấy khả quan ở những tháng trước đó, cho nên, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt khoảng 2,77 triệu tấn với kim ngạch đạt khoảng 1,35 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù tăng mạnh trong tháng 5-2022, nhưng trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, cho biết trong tháng 6 và dự báo đến tháng 7-2022 khách hàng sẽ mua ít hơn. Bởi, vụ đông xuân họ đã nhập khá nhiều, trong khi vụ hè thu ở thời điểm hiện tại chất lượng gạo không tốt. “Khách hàng bây giờ cũng hỏi, nhưng chủ yếu để cập nhật, so sánh giá mới, giá cũ, giá bên mua, bán ra sao thôi, chứ chưa mua”, ông cho biết.

Theo ông Khoa, khách hàng thương mại vẫn tiếp tục mua khi giá cả phù hợp ở mức có lợi. Trong khi đó, với những khách hàng nhập khẩu theo hạn ngạch, họ mua vào ở những thời điểm chất lượng gạo đẹp, tức mua ở vụ đông xuân (đã kết thúc) và thu đông (tháng 9-10 tới), chứ hiện tại vụ hè thu chất lượng thấp họ hạn chế mua. “Ví dụ, một đơn vị có 10.000 tấn quota 1 năm, thì họ chia ra nhập khoảng 5.000 tấn vụ đông xuân và 5.000 tấn vụ thu đông là xong”, ông Khoa dẫn chứng.

Theo ông Khoa, diễn biến tình hình xuất khẩu gạo sắp tới phụ thuộc khá lớn vào kết quả vụ mùa đang thu hoạch của Philippines cũng như diễn biến tình hình mưa bão ở quốc gia này. “Nếu họ mất mùa cộng thiên tai nhiều thì thị trường sẽ sôi động và ngược lại”, ông nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.