Thứ Năm, 21/07/2022, 12:09 (GMT+7)
.

Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng: Muốn đi xa thì đi cùng nhau

Sự kiện sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mở ra tia hy vọng mới không chỉ đối với loại cây chủ lực này, mà còn cả ngành Nông nghiệp nói chung.

Cơ hội mới cho trái sầu riêng.
Cơ hội mới cho trái sầu riêng.

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, từ ngày 12-7, các cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây sẽ thông quan nhập khẩu chính ngạch trái sầu riêng Việt Nam.

LẠC QUAN

Thông tin sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được đón nhận với nhiều tín hiệu lạc quan hơn nhiều so với một số loại trái cây khác, do chính những nguồn lợi mà loại trái cây đặc sản này mang lại. Trên thực tế, sầu riêng được xem là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao nhất và hiện có diện tích trồng lớn nhất ở Tiền Giang.

Với diện tích tương đối lớn, sản lượng hằng năm khá cao, người trồng sầu riêng của Tiền Giang cũng đang đứng trước một chương mới. Con số thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, lợi nhuận mang lại từ sản xuất sầu riêng cho trái ổn định hiện ở mức rất cao.

Nếu như năm 2017, mỗi ha sầu riêng có thể mang lại khoảng 826 triệu đồng/năm lợi nhuận, đến cuối năm 2021 đã mang lại hơn 1,1 tỷ đồng/ha, tăng hơn 280 triệu đồng/ha so với năm 2017. Chính hiệu quả kinh tế do sầu riêng mang lại đã tạo nên sức hấp dẫn khá lớn cho nông dân và hệ lụy là diện tích trồng sầu riêng của Tiền Giang vẫn cứ đà tăng.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu trong thời gian qua là sầu riêng của Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung chủ yếu được xuất qua thị trường Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch, bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tiềm ẩn rủi ro; trong khi khả năng xúc tiến sang các thị trường khác còn hạn chế, do chất lượng sầu riêng chưa đảm bảo đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính, các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan chức năng còn bị động, gặp hạn chế trong tiếp cận các thị trường này.

Từ thực tế này, thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mang lại tín hiệu tốt lành đối với ngành Nông nghiệp nói chung, người trồng sầu riêng nói riêng. Ông Ngô Văn Vũ, một hộ trồng sầu riêng tại xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) cho biết, tình hình tiêu thụ sầu riêng của nhà vườn thời gian qua cơ bản được đảm bảo, nhờ đó đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Chẳng hạn, với diện tích khoảng 2.000 m2, tương đương 50 gốc sầu riêng, sản lượng trung bình đạt từ 3,5 - 4 tấn, sau khi trừ chi phí có thể thu lợi nhuận xấp xỉ 150 triệu đồng. “Thông tin xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tất nhiên mang lại niềm vui cho nông dân nhưng chắc chắn quy trình sản xuất tới đây sẽ thay đổi nhằm tạo ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu”- ông Vũ cho biết.

Cơ hội mới cho trái sầu riêng.
Cơ hội mới cho trái sầu riêng.

Trước thông tin lạc quan của sầu riêng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, ngay bây giờ, phải xây dựng kế hoạch bài bản phát triển ngành hàng sầu riêng, từ đó biến nó thành “thương phẩm sầu riêng” đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải “đi cùng nhau”. Nông dân “đi cùng nhau” trong một hình thức hợp tác. Doanh nghiệp “đi cùng nhau” trong một hiệp hội ngành hàng.

Các địa phương có vùng trồng cũng cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư. “Đi cùng nhau” cũng là cách chúng ta chung sức, chung lòng tạo dựng hình ảnh, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, nông sản Việt Nam. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Đừng để “gom củi ba năm, đốt cháy một giờ”. Đừng để cái lợi trước mắt, mà đánh mất cơ hội lâu dài.

THAY ĐỔI ĐỂ THÍCH ỨNG

Thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi mới của thị thường là điều đã và đang mang tính cấp bách. Bởi theo thống kê của Sở NN-PTNT, sầu riêng Tiền Giang tiêu thụ ở 4 thị trường chính: Xuất khẩu, tiêu thụ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Bắc và TP. Hồ Chí Minh. Xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn, trong đó thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu).

Tuy nhiên, xuất khẩu sầu riêng thời gian qua chủ yếu thông qua hình thức tiểu ngạch (hiện chiếm 70% - 80% giá trị xuất khẩu). Điểm đáng quan tâm là giá sầu riêng trung bình trong những năm gần đây có xu hướng tăng, dao động ở mức 30.000 - 100.000 đồng/kg, đây là điều kiện khá thuận lợi cho người trồng sầu riêng.

Thế nhưng, thực tế cũng cho thấy có sự chênh lệch giữa giá sầu riêng chính vụ và trái vụ. Sầu riêng chính vụ (vào khoảng cuối tháng 4 đến tháng 7 dương lịch) có năng suất cao nhưng giá trị không cao, do sản phẩm ra đồng loạt, dẫn đến cung vượt cầu nên giá thu mua sầu riêng thường thấp.

Giá sầu riêng chính vụ bình quân các năm gần đây dao động khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Sầu riêng trái vụ (rải đều các tháng trong năm trừ các tháng chính vụ) cho năng suất tuy không cao (chỉ bằng 50% - 60% năng suất sầu riêng chính vụ), chi phí đầu tư cao nhưng rất dễ tiêu thụ và giá bán cao. Giá sầu riêng rải vụ bình quân các năm dao động trong khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg, có thời điểm lên trên 110.000 đồng/kg.

Để thích ứng với xu hướng tiêu thụ mới, chắc chắn ngành Nông nghiệp nói chung, người trồng sầu riêng sẽ phải thay đổi nhiều khâu để thích ứng. Bởi theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký vào ngày 11-7 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), từ ngày 12-7, các cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây sẽ thông quan nhập khẩu chính ngạch trái sầu riêng Việt Nam…

Tuy nhiên, theo Nghị định thư vừa ký kết, Trung Quốc yêu cầu tất cả vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và GACC phê duyệt. Thông tin đăng ký sản phẩm sầu riêng xuất khẩu phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Bên cạnh đó, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những trái hư hỏng; đồng thời, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…

Trên thực tế, để đón đầu xu hướng tiêu dùng hiện đại cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản, những năm qua ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã tập trung chuyển hướng sang chất lượng hơn số lượng, trong đó có sầu riêng.

Tại hội nghị đánh giá về Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” giai đoạn 2018 - 2021, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 gần đây, lãnh đạo ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng cho rằng, tính đến năm 2021, diện tích sầu riêng của tỉnh đã vượt hơn 20% so với mục tiêu năm 2025.

Do vậy, trong giai đoạn 2022 - 2025 ngành Nông nghiệp chủ trương giữ ổn định diện tích hiện có; đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, chỉ phát triển diện tích trồng mới theo Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực Bắc Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang; phấn đấu tổng sản lượng sầu riêng đến năm 2025 đạt 310.000 - 366.000 tấn, năng suất sầu riêng bình quân ổn định ở mức 25 - 26 tấn/ha, có 25% diện tích được công nhận sầu riêng an toàn (VietGAP, GlobalGAP); 50% diện tích sầu riêng đựợc cấp mã số vùng trồng, tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70% - 80% sản lượng...

THÁI AN

.
.
.