Thứ Bảy, 17/09/2022, 15:22 (GMT+7)
.

Tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư

(ABO) Sáng 17-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài với chủ đề “Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”.

Điểm cầu tại tỉnh Tiền Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu chủ trì.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam.

Quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các DN đầu tư nước ngoài đã luôn tin tưởng, đồng hành vào sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Điều này đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù, có những khó khăn, thách thức, nhưng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.

Nhiều tập đoàn, DN quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Gần đây nhất, theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam thực hiện trong tháng 9-2022 cho thấy, những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Cụ thể, trên 90% DN đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao.

Phần lớn các DN đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% DN dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

76% DN đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: Miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng, dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng DN vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Tại hội nghị, các Hiệp hội DN tại nước ngoài, DN, các bộ, ngành và địa phương đã có những tham luận liên quan đến các nội dung như: Xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; nhận diện thách thức và cơ hội để đầu tư, mở rộng trong một số lĩnh vực tại Việt Nam; thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường.

Lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tốt nhất hướng đến các nhà đầu tư.

Đó là giữ vững ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai là tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế, pháp luật, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Thứ ba là phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí logistics, các chi phí hành chính khác không cần thiết.

Thứ tư là vận dụng môi trường, chính sách ổn định có tính dự báo cao, thực thi, minh bạch và có trách nhiệm giải trình. Thứ năm là hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút hợp tác đầu tư có chọn lọc. Lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ, bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá, chủ yếu là ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của các DN đầu tư nước ngoài; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thời gian tới, Việt Nam xác định thực hiện 4 ổn định (kinh tế vĩ mô; các loại thị trường; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần nhân dân; chính trị trật tự an toàn xã hội); 3 tăng cường (tăng cường nắm tình hình; tăng cường y tế bảo vệ sức khỏe người dân, người lao động, an sinh xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính); 2 đẩy mạnh (sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế; giải ngân vốn đầu tư công); 1 tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi chi phí không cần thiết, trong đó có chi phí đầu vào của DN; 1 không làm là không chuyển đổi trạng thái một cách đột ngột.

Với tinh thần như vậy, Việt Nam sẽ tập trung vào một số tư duy về điều hành. Thứ nhất là phải đảm bảo sự ổn định trong sự bất định.

Thứ hai là phải giữ được chủ động trong thế bị động. Thứ ba là kiên định, nhất quán trong điều kiện sự tác động rất nhiều chiều kể cả bên trong và bên ngoài.

Thứ tư là phải thiết kế được công cụ kiểm soát rủi ro để ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với khủng hoảng, suy thoái của kinh tế thị trường. Thứ năm là phải hội nhập.

Trong quá trình đó, phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho các tư duy đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn…

 

M. THÀNH

 

.
.
.