Thứ Bảy, 29/10/2022, 09:06 (GMT+7)
.

Người tâm huyết với nghề làm mắm truyền thống

(ABO) Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của ông bà để lại, năm 2018, chị Huỳnh Thị Diễm (ấp Bình Nhựt, xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) quyết định thành lập Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Diễm để tìm hướng đi mới cho sản phẩm truyền thống.

Đến nay, Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Diễm có 5 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đưa sản phẩm mở rộng nhiều thị trường...

OCOP ĐƯA THƯƠNG HIỆU MẮM GIA TRUYỀN VƯƠN XA

Sau gần 5 năm gầy dựng sự nghiệp, với sự tâm huyết và đầu tư, chăm chút từng lọ mắm mang thương hiệu mắm gia truyền, cơ sở sản xuất mắm của chị Diễm ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín chất lượng trên thị trường. Các sản phẩm của chị làm ra được thị trường ưa chuộng, chất lượng thơm ngon, mùi vị đặc trưng, giá cả vừa túi tiền nên được người dân tin dùng.

Đặc biệt, tính đến tháng 10-2022, Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Diễm đã có được 5 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc và mắm ruốc sả ớt. Kết quả này là cả sự nỗ lực lớn của chị Diễm.

Chị Diễm cho biết: "Nhờ đạt chứng nhận OCOP, giá trị sản phẩm được nâng tầm, được mọi người biết đến nhiều hơn qua việc quảng bá sản phẩm trên trang thương mại điện tử, thị trường tiêu thụ trong nước bắt đầu quan tâm đến sản phẩm, lượng khách hàng tìm đến mua cũng nhiều hơn. Mới đây, thông qua tập huấn hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Gò Công Tây, tôi đã lập được trang web bán hàng qua mạng của cơ sở. Theo đó, ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm mắm của cơ sở sản xuất, số lượng đơn hàng tăng nhiều so với trước đây".

Chị Diễm chăm chút trong từng công đoạn làm mắm
Chị Diễm chăm chút trong từng công đoạn làm mắm.

Không những vậy, cơ sở sản xuất mắm của chị Diễm đã ký hợp đồng cung ứng mắm cho chuỗi hệ thống nhiều siêu thị như: Big C, Co.opmart, Mega, các khu du lịch, trạm dừng chân tuyến xe các tỉnh, thành phố, góp phần đưa thương hiệu mắm Bà Hai Diễm tiến xa hơn thị trường trong nước và quốc tế. Cơ sở của chị Diễm đã vinh dự được tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022.

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT MỚI NHƯNG VẪN GIỮ HƯƠNG VỊ TRUYỀN THỐNG

Theo lời chị Diễm chia sẻ, nghề làm mắm là của bà ngoại chị (Bà Hai Gò Công, ngụ xã Tân Trung, TX. Gò Công, Tiền Giang) để lại. Ngay từ nhỏ chị sống chung trong nhà bà ngoại, được học hỏi những công đoạn làm mắm, hằng ngày thấy ngoại và mẹ làm, vậy là làm theo, rồi lớn lên chị thấy yêu thích nghề này và học hỏi các bí quyết làm các loại mắm truyền thống từ bà ngoại và mẹ chị.

Sau này lập gia đình ra ở riêng, với mong muốn tiếp nối nghề truyền thống gia đình duy trì sản xuất ra các sản phẩm là món ăn bình dị có từ lâu đời của người dân quê, chị quyết định thành lập Cơ sở Sản xuất mắm Bà Hai Diễm.

Tuy nhiên, theo lời chị Diễm, trước đây bà ngoài và mẹ chủ yếu làm thủ công nên sản lượng ít, chưa được nhiều khách hàng biết đến. Vậy là chị Diễm nhận thấy cần phải thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tìm hướng đi mới, đưa sản phẩm mở rộng nhiều thị trường.

Theo đó, chị Diễm vẫn giữ nguyên công thức gia truyền nghề làm mắm Gò Công nhưng có ứng dụng thêm thiết bị kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Các công đoạn như: Rửa nguyên liệu, phơi con mắm, chà tôm nguyên liệu… đều dùng máy móc thay thế, giúp giảm sức người lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên liệu được phơi khô trong phòng kín tại cơ sở làm mắm
Nguyên liệu được phơi khô trong phòng kín tại cơ sở làm mắm của chị Diễm.

Theo chị Diễm, để giữ được nghề và mong muốn được mọi người đón nhận sản phẩm mình làm ra thì chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là 2 vấn đề chị đặt lên hàng đầu.

 Ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu, chị luôn lấy nguồn hàng rõ nguồn gốc, con ruốc tươi loại ngon ít sạn cát, tạp chất từ các ghe cào của huyện Gò Công Đông. Mỗi tháng theo con nước thường lấy được 2 lần,  khi có nguyên liệu tươi ngon chị tiến hành xử lý vệ sinh thật sạch, rồi tẩm ướp các loại gia vị như rượu, tỏi, ớt, muối… Đây là công đoạn quyết định vị mắm và bí quyết nằm ở đây.

Tùy theo khẩu vị mà từng cơ sở có thể gia giảm mặn ngọt cho vừa miệng. Tiếp đến là mang ra xay, rồi bắt đầu chà trên bàn chà để lấy phần thịt, bỏ phần xác. Sau đó hệ thống máy nghiền nhuyễn để phơi trong nhà kín đảm bảo vô trùng. Thời gian để cho một đợt sản xuất mắm khoảng 40 - 45 ngày là thành phẩm. Để có được sản phẩm ngon, chất lượng, chị và những người cộng sự phải theo dõi sát liều lượng pha chế, thời gian phơi mắm phải đảm bảo cho mắm se lại, khô ráo, rồi lại đem ủ tiếp để mắm dậy mùi thơm ngon.

Chị cho biết: “Mắm tôm chà Gò Công đạt chuẩn sẽ có nước cốt màu đỏ tươi của gạch con tôm hòa với thịt con tôm đã “chín” cùng với mùi thơm đặc trưng, có thể dùng trong cả năm vẫn không hư. Toàn bộ 100% sản phẩm của cơ sở làm ra không sử dụng chất bảo quản để có thể gần gũi, thân thiện, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Khi chúng tôi hỏi về định hướng sắp tới, chị Diễm cho biết, cơ sở của chị mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành quan tâm có hướng hỗ trợ để chị mở rộng hơn, đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại hơn nữa, tạo ra số lượng sản phẩm lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường và định hướng kết nối sản xuất và du lịch mua sắm để mọi người dân ở xa có dịp đến huyện Gò Công Tây được biết đến một món ăn truyền thống thơm ngon có từ lâu đời được lưu giữ đến nay.

KIM LAN - HOÀI THU

                                                             

.
.
.