.

Huyện Tân Phú Đông: Hướng đến vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao

Cập nhật: 13:38, 04/11/2022 (GMT+7)

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, hướng đến sản xuất bền vững.

DIỆN TÍCH NUÔI CÔNG NGHIỆP TĂNG

Theo UBND huyện Tân Phú Đông, qua rà soát, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của huyện đạt gần 4.400 ha. Những năm gần đầy, người dân các xã phía Tây của huyện đã mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện người dân địa phương chủ yếu nuôi theo 2 hình thức là công nghiệp và quảng canh cải tiến với các loại thủy sản như: Tôm, nghêu, cá chẽm…

Huyện Tân Phú Đông có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Huyện Tân Phú Đông có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng thủy sản.

Phú Tân là xã có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất địa bàn huyện Tân Phú Đông với hơn 3.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp hơn 310 ha. Gia đình ông Trần Tấn Sen (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân) có 4 công đất nuôi tôm.

Theo ông Sen, trước đây, gia đình ông nuôi theo hình thức quảng canh và hiện đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp được khoảng 10 năm nay. So với nuôi theo hình thức quảng canh, nuôi tôm công nghiệp giúp ông quản lý được con giống, năng suất  cao, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, theo ông Sen, việc nuôi công nghiệp cũng có một số khó khăn, trước hết là con giống hầu như phụ thuộc vào thương lái, nên có khi chất lượng không đảm bảo. Chi phí đầu vào hiện tăng cao cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, hiện nay việc nuôi tôm công nghiệp cũng gặp phải nhiều rủi ro. Để khắc phục điều này, một số người dân ở huyện đã đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, hiện trên địa bàn huyện có hơn 174 ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao (2, 3 giai đoạn). Ưu điểm của mô hình này là rút ngắn được thời gian nuôi, dễ quản lý các yếu tố về môi trường, thức ăn, dịch bệnh…, với năng suất trung bình dao động từ 30 - 50 tấn/ha. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền với quy mô 37 ha.

Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền cho biết, nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất cao hơn khoảng 2 lần so với nuôi truyền thống. Thành công nhất của mô hình này là tỷ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt khoảng 90%. Nuôi tôm công nghệ cao cũng rất ít rủi ro.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, thời gian qua, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện có sự phát triển với gần 2.000 ha, sản lượng gần 20.000 tấn. Diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tăng trung bình khoảng hơn 5%/năm. Riêng mô hình nuôi quảng canh cải tiến diện tích khoảng 4.900 ha, nhưng sản lượng chỉ khoảng 2.500 tấn. So với nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn nhiều lần.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thực tế dù có nhiều lợi thế, nhưng hiện nghề nuôi thủy sản ở huyện Tân Phú Đông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo UBND huyện Tân Phú Đông, hoạt động nuôi thủy sản của huyện còn gặp khá nhiều khó khăn. Trước hết là việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, quản lý vùng nuôi, quản lý dịch bệnh của người dân chưa tốt. Một số hộ nuôi ý thức chưa cao, khi xảy ra dịch bệnh không khai báo chính quyền địa phương, tự số xả ra kinh, mương. Chi phí đầu vào tăng cao, nhưng giá bán không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Địa phương hiện thiếu nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản, sản phẩm thu hoạch chủ yếu là xuất bán nguyên liệu thô, tính cạnh tranh thị trường thấp; đặc biệt là chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn huyện…

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền mang lại hiệu quả cao.

Theo đồng chí Lê Thanh Đằng, xác định nông nghiệp là kinh tế trọng tâm phát triển của huyện; trong đó, thủy sản đóng vai trò chủ đạo, trong thời gian tới, huyện sẽ phát triển các vùng sản xuất tôm tập trung tại các nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Huyện sẽ tập trung các giải pháp để từng bước chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao.

Hiện địa phương đang khuyến khích nhân rộng mô hình này. Huyện đã tổ chức hội thảo, tập trung nguồn lực, hướng dẫn người dân tiếp cận các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, nguồn tài chính để người dân có sự thay đổi trong phương thức nuôi trồng. Huyện sẽ phấn đấu để người dân chuyển từ mô hình quảng canh truyền thống sang nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao. Đặc biệt, huyện hướng đến sản xuất bền vững, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, ổn định đầu ra cho thủy sản.

Theo đồng chí Lê Thanh Đằng, để đạt được các mục tiêu trên, địa phương đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Khi các mô hình được triển khai, người dân thấy được việc sản xuất như vậy là hiệu quả sẽ dần thay đổi tư duy sản xuất. Có như vậy, kinh tế của huyện mới phát triển. Hiện địa phương đang lập các dự án kêu gọi đầu tư nuôi thủy sản công nghệ cao ở xã Phú Tân (352 ha và 28 ha), Dự án 230 ha ở xã Phú Đông. Những dự án này đã được đăng ký vào danh mục kêu gọi đầu tư. Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến các dự án này. Địa phương đang hoàn thiện các hồ sơ về mặt pháp lý.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.