Thứ Sáu, 21/04/2023, 14:50 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho cần chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị

(ABO) Đó là ý kiến của nhiều thành viên Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang tại buổi làm việc với UBND TP. Mỹ Tho về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp vào sáng 21-4.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, tính đến nay, tổng diện tích đất gieo trồng trên địa bàn thành phố hiện còn khoảng 3.755,18 ha, trong đó đất gieo trồng cây hằng năm 576,17 ha; đất gieo trồng cây lâu năm 3.179,01 ha (trong đó chủ yếu cây bưởi da xanh với diện tích khoảng 956,54 ha; cây dừa với diện tích khoảng 1.626,87 ha). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh năm 2010) thực hiện năm 2023 ước đạt trên 2.621 tỷ đồng, bằng 97,47% so với năm 2022.

Theo lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho, hiện nay, do tốc độ phát triển đô thị, diện tích đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên Thành ủy, UBND TP. Mỹ Tho rất quan tâm chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến đô thị thông minh.

Theo đó, TP. Mỹ Tho thực hiện phát triển sản xuất hoa, kiểng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển sản xuất nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gắn với sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng địa phương.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ theo hướng nông nghiệp đô thị, nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Tập trung những chủng loại có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng vùng trồng đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, theo tiêu chuẩn an toàn, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của các thị trường, sản xuất theo chuỗi liên kết; mời gọi đầu tư chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Các thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2020 đến nay, TP. Mỹ Tho có 33 sản phẩm/174 sản phẩm chiếm tỷ lệ 18,96% toàn tỉnh đã được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao. Qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần từng bước mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.Thành phố cũng đã thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả góp phần tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu nhân dân.

Tuy nhiên hiện nay, TP. Mỹ Tho gặp một số khó khăn như: Chi phí sản xuất cao do giá thành sản phẩm nông nghiệp thấp nên người trồng trọt hầu như không có lãi, có lúc thua lỗ nên người dân e ngại tái sản xuất và chuyển sang ngành nghề khác để đảm bảo cuộc sống.

Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho và lãnh đạo Phòng kinh tế
Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho và lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố phát biểu làm rõ thêm các vấn đề Đoàn giám sát đặt ra.

Đối với Chương trình OCOP vẫn còn không ít khó khăn, nhận thức của người sản xuất về việc tham gia chương trình này dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều chủ thể chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích của việc xây dựng và phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Một số cơ sở e ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại nên chưa chủ động tham gia.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ phát triển mới sản phẩm OCOP chưa đủ sức hấp dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP. Vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn rất hạn chế, nhiều địa phương không chủ động giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia Chương trình OCOP mà trông chờ vào các ngành cấp trên. Ngoài ra, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP hiện nay đa số chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực sản phẩm nông nghiệp, công thương chưa được khai thác mạnh ở các lĩnh vực khác…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Lợi phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc các đại biểu cho rằng TP. Mỹ Tho không nên phát triển lĩnh vực chăn nuôi mà cần tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích, gợi mở nhiều hướng phát triển cho thành phố trong thời gian tới. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận và đề nghị lãnh đạo TP. Mỹ Tho  làm rõ nhiều nội dung như: Công tác quy hoạch phát triển rau màu; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp, các mô hình sản xuất rau sạch; các hình thức sản xuất liên kết phát triển du lịch sinh thái; việc xây dựng mô hình tạo sản phẩm OCOP và quảng bá sản phẩm; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh Tiền Giang về hỗ trợ phát triển nông nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu kết luận
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo TP. Mỹ Tho sớm hoàn chỉnh quy hoạch thành phố; chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục quan tâm chỉnh trang đô thị, cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết hợp tác thúc đẩy phát triển.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên cũng lưu ý, các sở, ban, ngành tỉnh quan tâm phối hợp, hỗ trợ địa phương giới thiệu thêm sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm thu hút người dân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP. Kết nối với các doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm OCOP đến du khách bạn bè quốc tế. Nghiên cứu hướng dẫn người dân đăng ký bảo hộ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chế biến cần đăng ký thương hiệu...

HOÀI THU

.
.
.