Thứ Sáu, 19/05/2023, 13:13 (GMT+7)
.

Tự tin khởi nghiệp, vươn lên

Thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thị Hồng Loan luôn năng động, hết lòng trong công tác Hội và tự tin phát triển kinh tế gia đình.

Tuy chỉ mới tham gia công tác Hội hơn 3 năm, nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Loan đã trở thành người bạn thân thiết với hội viên phụ nữ trên địa bàn. Bên cạnh đó, chị Loan còn tự tin phát triển kinh tế gia đình, với mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ban đầu khởi nghiệp chỉ với 2 cặp thỏ, với số vốn là 400.000 đồng, đến nay đàn thỏ của chị Loan phát triển lên đến hơn 100 con; trong đó, có hơn 20 con thỏ sinh sản và 80 con thỏ thịt.

Mô hình nuôi thỏ của chị Loan ngày càng được mở rộng.
Mô hình nuôi thỏ của chị Loan ngày càng được mở rộng.

Chị Loan chia sẻ, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp “Khởi sự kinh doanh” và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Phước Tây đã giới thiệu, hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng để xây dựng chuồng trại trên diện tích 50 m2. Thời gian đầu nuôi thỏ, chị Loan gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách chăm sóc thỏ phù hợp; tỷ lệ thỏ bệnh và hao hụt khá cao. Sau khi tìm hiểu các nguồn tài liệu và tham gia các nhóm chăn nuôi thỏ trên mạng xã hội, chị đã biết cách chăm sóc phù hợp, từ đó thỏ phát triển tốt hơn, tăng đàn nhanh hơn.

Chị Loan cho biết thêm, thỏ lớn nhanh, chi phí chăm sóc thấp, chuồng trại khá đơn giản. Ngoài thức ăn công nghiệp bổ sung chất dinh dưỡng, nguồn thức ăn chủ yếu của thỏ là các loại rau quanh vườn nhà. Hiện nay, thỏ thịt có giá bán từ 65.000 - 75.000 đồng/kg, thỏ giống từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, thỏ con từ 35.000 - 50.000 đồng/con. Do không mất nhiều thời gian chăm sóc thỏ nên chị Loan vừa đảm bảo được công việc của Hội, vừa đảm bảo công việc gia đình một cách hài hòa.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Phước Tây Lê Thị Phụng cho biết, mô hình nuôi thỏ của chị Loan là mô hình điểm của xã. Thông qua hiệu quả từ mô hình, Hội sẽ giới thiệu, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện về kỹ thuật, nguồn vốn cho các hộ nghèo và hội viên có nhu cầu trên địa bàn xã, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của chị em từng bước đi lên, vừa góp phần khẳng định tiếng nói và vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ trong địa phương, nguồn thỏ giống của chị Loan còn được nhiều hội viên phụ nữ, cựu chiến binh ở địa phương khác biết và tìm mua. Chị Loan hỗ trợ phối giống, cung cấp thức ăn, chia sẻ kiến thức nuôi cho hội viên có nhu cầu bắt đầu từ mô hình nuôi thỏ này.

Chịu khó tìm tòi, học hỏi trong phát triển kinh tế, chị Loan đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn vận động những hội viên khác cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trong chi, tổ hội để cùng nhau vươn lên, với phương châm “Cùng nhau thoát nghèo trên chính mảnh đất của mình”.

Nhờ sự quan tâm, sâu sát đó, nhiều hộ dân trong xã đã biết phát huy lợi thế đất đai, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thành công, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Chính từ đó, niềm tin của chị em phụ nữ vào Hội ngày càng được củng cố.

HÀ NAM

 

.
.
.