.

Huyện Châu Thành: Tập trung tiêu chí Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 08:02, 26/01/2024 (GMT+7)

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn có tính chất quan trọng khi tác động trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế, xã hội của địa phương. Tiêu chí này đã được huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện trong quá trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM năm 2023.

Thời gian qua, huyện Châu Thành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung phát triển kinh tế hợp tác với 28 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động, với số lượng từ 50 thành viên/HTX trở lên. Các HTX hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như: Cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, tổng hợp và trồng trọt.

Những HTX hoạt động hiệu quả

Nổi bật như xã Tam Hiệp hiện có 2 HTX đang hoạt động hiệu quả là HTX Nông nghiệp Đông Nghi và HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Hiệp. Cả 2 HTX đều là đầu mối quan trọng cho các hộ nông dân liên kết lại với nhau cùng sản xuất với quy mô lớn hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Cụ thể, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Hiệp cung cấp nước sạch và vật tư nông nghiệp cho 95 thành viên. HTX tổ chức liên kết tiêu thụ lúa cho 15 thành viên (5,2 ha) với sản lượng 65 tấn/năm. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, HTX đã đạt doanh thu hơn 164,1 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế gần 36,9 triệu đồng.

Tổ hợp tác Sản xuất bưởi da xanh VietGAP xã Long An hỗ trợ nông dân chuẩn hóa sản xuất và nâng cao giá trị trái bưởi.
Tổ hợp tác Sản xuất bưởi da xanh VietGAP xã Long An hỗ trợ nông dân chuẩn hóa sản xuất và nâng cao giá trị trái bưởi.

Còn HTX Nông nghiệp Đông Nghi đã tập trung sản xuất sản phẩm sữa dê, sữa dê sấy thăng hoa đạt chuẩn OCOP. Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Nghi cho biết: “Các sản phẩm của HTX sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP có đầu ra thuận lợi hơn, dễ dàng tiếp cận các siêu thị và hệ thống cửa hàng lớn. Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư thực hiện các tiểu cảnh tham quan thu hút du khách giúp các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến”.

Theo UBND huyện Châu Thành, tổng doanh thu (thống kê năm 2022) của các HTX đạt 46,5 tỷ đồng (bình quân hơn 2,1 tỷ đồng/HTX), lợi nhuận các HTX đạt hơn 1,4 tỷ đồng (bình quân 65,4 triệu đồng/HTX). HTX mang lại lợi ích cho thành viên từ các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên thấp hơn giá thị trường, thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thành viên, phối hợp các ngành huyện, xã tổ chức tuyên truyền vận động người dân thiết lập mã vùng trồng, chứng nhận truy xuất nguồn gốc.

Và những mô hình khác

Bên cạnh các HTX, toàn bộ 22 xã trên địa bàn huyện Châu Thành đều có tổ hợp tác thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực gồm: Cây lúa (Tân Hội Đông, Điềm Hy), sầu riêng (Phú Phong, Hữu Đạo, Bàn Long), sa pô (Kim Sơn, Song Thuận), dừa (Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương, Bình Trưng, Đông Hòa, Dưỡng Điềm, Bình Đức, Vĩnh Kim), rau màu (Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Thạnh Phú, Long Định, Nhị Bình), mít (Long Hưng), bưởi da xanh (Long An).

Cùng với đó, huyện Châu Thành còn có nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái, rau màu hay lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 109,1 ha (trong đó, lúa 8,75 ha, rau màu 22 ha, cây ăn trái 78,4 ha) sản lượng trung bình đạt khoảng 3.300 tấn/ha. Các nông sản chủ lực đều được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm này.

Các tổ hợp tác đã thực hiện tốt công tác liên kết nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản như Tổ hợp tác Sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP xã Long An (ở ấp Long Thạnh) với 31 thành viên. Tổ hợp tác đã hỗ trợ và là cầu nối giúp nông dân tiếp cận, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao giá trị trái bưởi da xanh.

Ông Nguyễn Văn Định, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất bưởi da xanh VietGAP xã Long An, cho biết: “Trước đây, nông dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng bưởi theo cách truyền thống nên chất lượng trái bưởi không đồng đều. Sau khi tham gia tổ hợp tác, nông dân được cán bộ nông nghiệp cập nhật thêm các kỹ thuật mới, sản xuất theo chuẩn an toàn và sử dụng thuốc sinh học. Qua đó, chất lượng trái bưởi được nâng lên và đã đạt chứng nhận VietGAP, giúp đầu ra của trái bưởi ổn định hơn, không còn cảnh thương lái ép giá”.

Huyện Châu Thành còn tổ chức 22 Tổ Khuyến nông cộng đồng ở các xã trên địa bàn huyện với 339 thành viên nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Qua đó, các tổ đã phối hợp với các ngành huyện, UBND xã tổ chức hơn 70 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trên cây lúa, cây màu, sầu riêng, mít và chăn nuôi…, với 1.600 lượt người tham dự.

Theo báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh Tiền Giang về mức độ đạt chuẩn NTM năm 2023 đối với huyện Châu Thành, 22/22 xã của huyện Châu Thành đạt chuẩn tiêu chí Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025. Việc thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất trên địa bàn huyện Châu Thành đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người ở các xã trên địa bàn huyện đạt 66,63 triệu đồng/năm, tăng 45,03 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

CAO THẮNG

 

.
.
.