Thứ Năm, 19/01/2023, 08:42 (GMT+7)
.

Tiền Giang: "Nét xuân" trên những vùng quê nông thôn mới

Một mùa xuân nữa lại về trên khắp ngõ xóm của tỉnh Tiền Giang. Ở các vùng quê nông thôn mới (NTM), mùa xuân thêm phần vui tươi, phấn khởi trước những đổi thay mới mẻ.

Ông Lê Hoàng Nam (bìa phải) làm hàng rào  hoa trang đỏ dọc theo tuyến đường Bắc kinh Cả Gáo trong 5 năm qua. Ảnh: QUẾ NGÂN
Ông Lê Hoàng Nam (bìa phải) làm hàng rào hoa trang đỏ dọc theo tuyến đường Bắc kinh Cả Gáo trong 5 năm qua. Ảnh: QUẾ NGÂN

“Nét xuân” ở các vùng quê NTM không chỉ gói gọn ở cảnh quan, mà là sự chung lòng của người dân cũng như những chuyển biến trong phát triển kinh tế nông thôn.

NGƯỜI DÂN CHUNG SỨC

Đối với người dân ở huyện Cai Lậy, mùa xuân năm nay có lẽ đến sớm hơn mọi năm khi huyện về đích huyện NTM trong năm 2022. Qua 10 năm triển khai công tác xây dựng NTM, huyện Cai Lậy đã có nhiều chuyển biến.

Hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa với 436 tuyến đường giao thông; trong đó, nhiều tuyến đường được phủ xanh với nhiều bờ rào, bờ hoa đẹp mắt. Kết quả trên không chỉ có từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, mà còn có sự chung sức của người dân, chủ thể của chương trình xây dựng NTM.

Đã 5 năm qua, ông Lê Hoàng Nam (ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) tuần nào cũng dành thời gian để chăm sóc bờ rào hoa trang đỏ, dọc theo tuyến đường Bắc kinh Cả Gáo. Ông Hoàng Nam cho biết: “Xây dựng NTM, Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường quá thuận lợi cho người dân đi lại; ngoài ra còn xây dựng trường, trạm mới rất thuận tiện cho người dân.

Do đó, tôi cùng các thành viên trong nhà cũng “hưởng ứng” cùng chính quyền trồng bông trang rồi cắt tỉa thành hàng rào, để cùng với bà con trong ấp góp sức tạo cảnh quan xã NTM xanh - sạch - đẹp. Hiện tại, tôi đang tỉa hàng rào để hoa kịp nở đỏ tết năm nay, mừng huyện nhà đạt chuẩn NTM”.

Không những đóng góp công sức, người dân còn sẵn sàng đóng góp của cải, hiến đất để xây dựng NTM. Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (ấp 1, xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) đã chủ động hiến 100 m2 đất để tạo điều kiện thuận lợi mở rộng tuyến đường Kinh 5 Giao.

Ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Tôi đã sinh sống ở đây từ nhỏ nên biết rõ sự khó khăn khi qua lại tuyến đường Kinh 5 Giao này do sình lầy. Vì vậy, khi nghe tin xã mở rộng và trải đan tuyến đường tôi rất mừng nên đã hiến phần đất của gia đình để mở rộng đường. Theo tôi,  xây dựng NTM là việc chung của mọi người, nên đóng góp một chút để cùng bà con xây dựng huyện đạt chuẩn NTM”.

 Vườn khóm của ông Phạm Văn Mi tăng năng suất khi áp dụng canh tác theo VietGAP.
Vườn khóm của ông Phạm Văn Mi tăng năng suất khi áp dụng canh tác theo VietGAP.

Có thể nói rằng, công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo nên những “làn gió mới” giúp đổi thay các vùng quê nông thôn. Đơn cử như ở xã Tân Lập 2 (huyện Tân Phước) qua công tác xây dựng NTM nâng cao đã thực sự nâng cao đời sống người dân với thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,3%. Những kết quả của công tác xây dựng NTM đã tạo niềm tin để người dân cùng chung sức với chính quyền giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Ông Nguyễn Văn Thời (ấp Tân Vinh, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước) chia sẻ: “Xây dựng NTM nâng cao, xã mở rộng tuyến đường Đông Sáu Ầu trước nhà giúp đi lại thuận lợi, tôi rất mừng. Bây giờ, tôi và bà con đi lại rất thuận lợi, buôn bán nông sản cũng dễ dàng hơn xưa. Qua tuyên truyền của xã, tôi đã nói các thành viên gia đình thường xuyên vệ sinh trong nhà và cả trước tuyến đường để giữ vững tiêu chí môi trường của xã NTM nâng cao”.

THAY ĐỔI KINH TẾ NÔNG THÔN

Công tác xây dụng NTM không chỉ đổi mới bộ mặt nông thôn về bề nổi với những cơ sở hạ tầng mới, mà còn thay đổi về chiều sâu khi người dân có tư duy mới về phát triển kinh tế nông thôn. Với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, người dân đã mạnh dạn áp dụng những mô hình canh tác mới mang lại hiệu quả cao.

Hơn 2 năm qua, ông Phạm Văn Mi (ấp Thuận, xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước) đã áp dụng hiệu quả mô hình trồng khóm theo chuẩn VietGAP cho gần 1 ha khóm của gia đình. Việc áp dụng trồng khóm theo kỹ thuật mới với khoảng cách các hàng được đảm bảo là 50 cm, giúp cây khóm phát triển tốt và đạt năng suất cao.

Ông Phạm Văn Mi cho biết: “Trồng khóm theo kỹ thuật mới giúp năng suất mỗi ha khóm của tôi đạt từ 32 - 33 tấn (kỹ thuật truyền thống chỉ khoảng 27 - 28 tấn/ha). Mặt khác, cây khóm được trồng với khoảng giữa các hàng phù hợp giúp giảm chi phí giống, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn so với trước đây. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi từ vườn khóm cũng tăng hơn, tết năm nay sẽ vui vầy hơn năm trước”.

Qua xây dựng NTM, người dân giờ đây không chỉ giỏi trong canh tác, sản xuất nông nghiệp, mà còn liên kết với nhau sản xuất theo chuỗi giá trị với sự đóng góp không nhỏ của các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Cây bưởi da xanh là cây trồng chủ lực của xã NTM kiểu mẫu Tân Mỹ Chánh có diện tích 156 ha.

Thời gian qua, UBND xã Tân Mỹ Chánh đã đẩy mạnh công tác tổ chức liên kết, sản xuất cho sản phẩm chủ lực của xã. Hiện tại, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp (NNKDTH) Tân Mỹ Chánh đang hỗ trợ tiêu thụ cho 38 thành viên với diện tích trên 40 ha.

Theo Giám đốc HTX NNKDTH Nguyễn Ngọc Thành, mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 100 tấn bưởi da xanh cho người dân trong và ngoài thành viên của HTX. Mức giá thu mua bưởi luôn ổn định và cao hơn thương lái vãng lai từ 2.000 đồng/kg, giúp người dân tránh được cảnh thương lái ép giá hay được mùa mất giá như trước đây.

Thành viên HTX NNKDTH Tân Mỹ Chánh được hỗ trợ kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh đạt chất lượng cao.
Thành viên HTX NNKDTH Tân Mỹ Chánh được hỗ trợ kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh đạt chất lượng cao.

Người dân hiện tại không chỉ làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo thêm nguồn thu từ dịch vụ gắn với sản phẩm của mình. Từ vườn bưởi và ao nuôi cá sấu của gia đình, ông Trần Trọng Tân (ấp Thới An B, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) đã tổ chức dịch vụ cho người dân địa phương đến tham quan.

Ông Tân cho biết: “Tôi chỉ mới thực hiện dịch vụ tham quan trong năm 2022 này, chủ yếu phục vụ người dân địa phương, học sinh đến tham quan tìm hiểu. Dù nguồn thu từ dịch vụ chưa nhiều nhưng cũng phần nào hỗ trợ cho kinh phí đầu tư canh tác vườn bưởi và nuôi cá sấu của gia đình tôi”.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Hoàng Nhật Nam, công tác xây dựng NTM đã tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Nhiều chuỗi liên kết như HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả giúp tăng giá trị cho hàng hóa nông sản, tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Các mô hình sản xuất, kinh doanh mới giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập.

CAO THẮNG

.
.
.