.

Cảnh báo ma túy núp bóng thực phẩm chức năng và đồ uống

Cập nhật: 09:41, 28/07/2022 (GMT+7)

Tội phạm về ma túy luôn tìm mọi cách với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt mua bán ma túy trá hình (pha trộn ma túy với các loại thực phẩm, đồ uống...), hòng tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Tội phạm về ma túy luôn tìm mọi cách với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt mua bán ma túy trá hình (pha trộn ma túy với các loại thực phẩm, đồ uống...)
Ma tuý dưới dạng “nước dâu”.

Ngày 27/7, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, trong thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy ma túy núp bóng thực phẩm là: Thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy; ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy được sản xuất, ở một số nước trên thế giới, các nước này không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng.

Trong thời gian qua, các đối tượng lợi dụng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Đối tượng mang từ siêu thị ở Mỹ mang về cho người nhà sử dụng nhưng không nói cho người nhà biết có chứa chất ma túy. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm.

Đối với ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống. Vì vậy đã xảy ra một số vụ việc như: vụ bán bánh cần sa trên mạng internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa vào tháng 12/2019; vụ nhóm học sinh ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma túy, bị ngộ độc phải cấp cứu vào tháng 10/2021; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2020; vụ bán socola có chứa chất ma túy tại Đông Anh, Hà Nội vào tháng 6/2022.

Người vận chuyển tàng trữ, mua bán loại này biết nó là ma túy nhưng khi bị bắt thường che giấu ý thức chủ quan không biết là ma túy để nhằm chối tội.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn.

Phối hợp các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.

Các cơ quan chức năng ngành công an từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tăng cường phối hợp các nhà trường, chính quyền địa phương các cấp, các ngành, với từng gia đình trong công tác giáo dục, quản lý, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường thường xuyên cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp dưới bóng các loại thực phẩm, đồ uống. Từ đó, thông báo, chỉ đạo hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc để tuyên truyền tới toàn thể nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Tăng cường xử điểm, xử lưu động các vụ liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhằm tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm này.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.