Thứ Sáu, 23/08/2019, 21:38 (GMT+7)
.
Phía sau bản án - Đường về nẻo thiện

Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỗi

Kỳ 1: Xé nát tương lai
Kỳ 2: Khát vọng hoàn lương
Kỳ 3: Nơi hồi sinh những phận đời lầm lỗi
Kỳ cuối: Có yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy

Để góp phần quản lý, giáo dục và cải tạo hàng ngàn phạm nhân với đủ các thành phần trong xã hội, các trại giam đã có nhiều mô hình hay; cán bộ quản giáo từng ngày trực tiếp trò chuyện, động viên tinh thần các phạm nhân...

Với những người ngày đêm ươm mầm thiện, hạnh phúc nhất là được nhìn thấy phạm nhân hoàn lương, trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ Trại giam Mỹ Phước dạy nghề cho phạm nhân.
Cán bộ Trại giam Mỹ Phước dạy nghề cho phạm nhân.

LẶNG LẼ ƯƠM MẦM THIỆN

Cán bộ quản giáo tại các trại giam luôn là người sát cánh, âm thầm thắp sáng hy vọng, để phạm nhân cố gắng cải tạo, chuộc lại lỗi lầm quá khứ…

Được nghe chia sẻ của Đại úy Trương Văn Quân, cán bộ quản giáo Trại giam Phước Hòa (đóng trên địa bàn xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước), chúng tôi mới hiểu phần nào công việc lặng thầm, vất vả và có tính đặc thù của những cán bộ trại giam.

Tinh thần trách nhiệm, tình thương, sự thấu hiểu và chia sẻ là chìa khóa để các anh mở cánh cửa tâm hồn cho phạm nhân, giúp phạm nhân thay đổi suy nghĩ, nhận thức, nâng cao ý thức cải tạo, để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Suốt 35 năm gắn bó và gần 20 năm làm công tác quản giáo tại Trại giam Phước Hòa, Đại úy Quân đã nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc, gặp đủ các thành phần đối tượng phạm nhân.

Để trở thành người quản giáo tốt, trước tiên phải lấy chữ tâm đặt lên hàng đầu. Con người dù vi phạm pháp luật nhưng bản chất lương thiện vẫn còn. Nếu mình biết khai thác đúng chỗ thì bản chất con người sẽ trỗi dậy.

ĐẠI ÚY TRƯƠNG VĂN QUÂN, CÁN BỘ QUẢN GIÁO TRẠI GIAM PHƯỚC HÒA

Kể về những “ca khó” đã từng gặp, Đại úy Quân cho biết: “Suốt thời gian công tác, phạm nhân Văng Mộng H. khiến tôi nhớ nhất. Bởi, thời gian đầu tiếp xúc với tôi, anh ta có những biểu hiện chống đối như: Không lao động, chây lười, quậy phá, đánh nhau với bạn tù, thậm chí rạch tay, rạch chân dọa cán bộ trại và đưa ra những yêu sách…

Trước thái độ này, tôi đã báo cáo Ban Giám thị và dành nhiều thời gian tìm hiểu nguyên nhân khiến phạm nhân có phản ứng tiêu cực như vậy; đồng thời, cùng gia đình phạm nhân đề ra giải pháp, phối hợp giáo dục, cảm hóa phạm nhân.

Nhờ vậy, phạm nhân H. có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, cải tạo tốt hơn. Nhiều lần được Ban Giám thị trại giam xem xét giảm án. Rất mừng, đến nay anh H. đã hoàn lương và trở về với gia đình.

Một lần tình cờ tôi gặp lại anh H. ngoài xã hội, anh H. cho biết anh đã có một gia đình yên ấm và 1 cơ sở kinh doanh buôn bán, kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động của bản thân…”.

Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho phạm nhân.
Trại giam Mỹ Phước hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho phạm nhân.

Hơn 15 năm công tác tại Trại giam Mỹ Phước (đóng trên địa bàn xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước), Đại úy Trần Nam Hiền, cán bộ quản giáo kể cho chúng tôi nghe về những buồn vui trong nghề.

Đại úy Hiền đã tiếp xúc với rất nhiều phạm nhân, trong đó số phạm nhân tỏ thái độ chống đối là không ít. Một số phạm nhân mới vào tù tỏ ra “cứng đầu”, không chịu lao động và không ít lần vi phạm nội quy của trại. Không những vậy, phạm nhân còn có ý định trốn trại. Tuy nhiên, ý đồ của các phạm nhân này đều bị cán bộ quản giáo phát hiện và xử lý.

“Đối với các phạm nhân có thái độ chống đối, các cán bộ quản giáo đấu tranh với họ là cả một quá trình khó khăn, kiên trì và phải áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Điều quan trọng không phải để phạm nhân sợ hay ghét cán bộ, mà để phạm nhân tin tưởng cán bộ và nhận ra những hành động trước đó của mình là sai và có thái độ hợp tác...” - đó là tâm sự về kinh nghiệm đấu tranh, giáo dục những phạm nhân “cá biệt” của Đại úy Hiền.

Theo nhiều cán bộ quản giáo, phạm nhân có phản ứng tiêu cực chủ yếu là những phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, như cha mất sớm, cha mẹ ly dị, phạm nhân sống cùng ông bà hoặc phạm nhân không có gia đình, không có người thân hay mang trong mình nhiều căn bệnh...

Do thiếu thốn tình cảm của cha mẹ từ thuở nhỏ, không được dạy dỗ, uốn nắn, nên họ sớm bước chân vào con đường tội lỗi.

Khi đã hiểu được ngọn nguồn về thái độ của phạm nhân, các quản giáo xây dựng cụ thể kế hoạch giáo dục để phạm nhân hiểu được chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với người từng lầm lỡ; đồng thời, cán bộ, chiến sĩ tập trung các biện pháp giáo dục đối với phạm nhân, trong đó nhấn mạnh yếu tố tình cảm gia đình, người thân đối với phạm nhân, giúp phạm nhân nhận ra cái sai của mình; từ đó có ý thức cải tạo, có động lực phấn đấu trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Trại giam Phước Hòa hướng dẫn kỹ thuật đan cho phạm nhân.
Trại giam Phước Hòa hướng dẫn kỹ thuật đan cho phạm nhân.

CUỘC SỐNG ĐẰNG SAU SONG SẮT

Tại Trại giam Mỹ Phước và Trại giam Phước Hòa, mỗi khi có thêm phạm nhân mới nhập trại là Đội Công tác giáo dục lại tất bật chuẩn bị các lớp học mới; đặc biệt là các lớp đào tạo nghề, chương trình giáo dục công dân hằng tuần tại các phân trại với nhiều hình thức sinh động.

Trại giam còn phát động các phong trào thi đua sôi nổi trong phạm nhân. Từ những phong trào thi đua, nhiều phạm nhân đã phát huy được năng khiếu của mình và giúp cho Ban Giám thị cùng quản giáo có thêm nhiều phương pháp trong giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước, cho biết: “Để giáo dục, cảm hóa những người vi phạm pháp luật trở thành người tốt, Ban Giám thị cùng toàn thể cán bộ trại giam đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương và gia đình phạm nhân thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giáo dục như: Tổ chức cho phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Phước mở nhiều lớp dạy chữ, tổ chức tốt việc tuyên truyền pháp luật và dạy nghề cho phạm nhân”.

Đặc biệt, với mong muốn giúp phạm nhân có tay nghề vững, phù hợp với sở trường của mình để có thể dễ dàng tìm được việc làm ổn định sau khi mãn hạn tù, từ nhiều năm nay, Ban Giám thị trại giam đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho phạm nhân, xây dựng nhiều xưởng sản xuất như may mặc, đan lát, nông nghiệp, xây dựng dân dụng...

Đây là nền tảng giúp cho các phạm nhân sau khi chấp hành án xong dễ tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực bản thân.

Ngoài công tác giáo dục, đào tạo nghề cho phạm nhân, tại Trại giam Phước Hòa, công tác chăm lo chế độ khẩu phần ăn hằng ngày, chế độ thăm gặp giữa phạm nhân và gia đình đã được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị quan tâm.

Thượng tá Nguyễn Văn Đông, Giám thị Trại giam Phước Hòa, cho biết: “Tại Trại giam Phước Hòa, bên cạnh tăng gia sản xuất, chúng tôi xem xét hoán đổi chế độ ăn của phạm nhân cho hợp lý. Nếu như trước đây, một tuần phạm nhân chỉ được ăn 2 ngày thịt, cá, thì từ năm 2018 đến nay, chế độ ăn của phạm nhân luôn có thịt, cá. Bên cạnh đó, trại còn đầu tư thêm cơ sở vật chất để gia đình phạm nhân thăm gặp thuận lợi, từ đó yên tâm và phối hợp cùng trại động viên phạm nhân cải tạo tốt. Ngoài ra, hằng năm trại còn phát động, kêu gọi gia đình phạm nhân, các doanh nghiệp tham gia Quỹ Tấm lòng vàng. Từ nguồn quỹ này, trại đã hỗ trợ nhiều phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm…”.

Đáp lại những nỗ lực không ngừng của Ban Giám thị, cán bộ trại giam, mầm thiện đã nở hoa trên vùng đất phèn Tân Phước - nơi đã có hàng chục ngàn lượt phạm nhân đã được cảm hóa, giáo dục trở thành người lương thiện, có ích trả về cho gia đình và xã hội.

Còn nhớ trong một lần đến dự hội nghị tại Trại giam Mỹ Phước, chúng tôi đã được nghe Thượng tá Võ Nhựt Hải nói về những trăn trở, những việc nên làm để giúp cho những cuộc đời lầm lỡ sau song sắt trại giam có thể tìm thấy niềm vui và động lực sống.

Trại giam không chỉ là nơi giam giữ những người phạm tội, mà cần phải quan tâm, truyền cảm hứng cho phạm nhân biết ăn năn, hối cải, dạy nghề để giúp họ tạo hành trang khi trở lại tái hòa nhập với cộng đồng.

Thượng tá Hải còn đọc mấy câu thơ:
“Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

(trích Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên).

Và Thượng tá Hải cho rằng: “Tuy là ở trại giam, nhưng tôi luôn căn dặn các đồng chí trong trại phải giúp đỡ phạm nhân bằng cái tâm, làm sao để mảnh đất này “hóa tâm hồn” khi phạm nhân mãn hạn tù được trở về gia đình mà vẫn còn nhớ đến trại - nơi đã giúp các anh tái sinh một lần nữa”.

Với những hành động đầy tính nhân văn của Ban Giám thị các trại giam cũng như các cán bộ, chiến sĩ ở trại, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng những mầm thiện sẽ được phục sinh.

HOÀI THU - VĂN THẢO

             (còn tiếp)

 

.
.
.