Thứ Hai, 02/05/2022, 08:54 (GMT+7)
.
Ngược dòng Bảo Định

Bài 1: Tìm lại dòng sông

Dòng sông là nơi khởi nguồn của sự sống. Các nền văn minh lớn trên thế giới luôn gắn liền với lưu vực của các con sông lớn. Các thành phố lớn cũng luôn nằm bên những dòng sông; và TP. Mỹ Tho cũng không ngoại lệ.

Nằm bên bờ sông Tiền, TP. Mỹ Tho còn ôm trong lòng dòng Bảo Định lịch sử. Báo Ấp Bắc thực hiện chuyến du khảo ngược dòng Bảo Định để cùng tìm hiểu về dòng sông lịch sử này và vai trò của nó đối với sự phát triển của những vùng đất nơi nó chảy qua.

Bảo Định là sông hay kinh? Nhiều người vẫn quen gọi dòng Bảo Định là sông Bảo Định, nhưng nhiều tài liệu lịch sử khẳng định đây là con kinh đào quy mô lớn đầu tiên của vùng đất phương Nam. Chúng ta cùng tìm hiểu về dòng Bảo Định để làm sáng tỏ những vấn đề còn tranh cãi.

SÔNG MỸ THO CHẢY QUA MỸ THO ĐẠI PHỐ

Theo nhiều tài liệu khoa học, từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Mỹ Tho (các phường 2, 3, 8 và các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay). Đến năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng đất này. Từ đây Mỹ Tho là chợ phố lớn được lập ra ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, mà theo cách gọi lúc bấy giờ là Mỹ Tho đại phố.

Vàm sông Bảo Định đổ ra Sông tiền trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Vàm sông Bảo Định đổ ra sông Tiền trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Cái tên của đô thị Mỹ Tho được lấy từ tên của dòng sông Mỹ Tho. “Lớn ròng chung rạch chia đôi ngả / Cũ mới phân chia cũng một đò” -  Đó là nội dung mô tả sông Mỹ Tho trong bài thơ “Mỹ Tho tức cảnh” của Nhà thơ Học Lạc. Bên phải sông Mỹ Tho bắt đầu từ bàu Xiêm (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành), bên trái bắt nguồn từ rạch Hóc Đùn (TP. Mỹ Tho). Hai ngọn rạch này hợp tại cầu Bến Chùa rồi chảy ra sông Tiền bởi hai vàm.

Hai vàm, hai ngả cho nên trung tâm Mỹ Tho xưa có một cái cù lao, gọi là cù lao Điều Hòa, nằm giữa hai vàm rạch Mỹ Tho. Người qua lại phải dùng đò ngang. Đất cù lao Điều Hòa thấp, ngày nước rong thường bị ngập nên người dân phải lấy ván bắc những cây nối nhau để đi lại, vì vậy cù lao này còn có tên cù lao Cầu Dài. Người dân sống tập trung ở phía đông và phía nam cù lao. Tại đây có hai xóm đánh cá của người Minh hương: Xóm Cá ngoài và xóm Cá trong.

 Cửa sông Bảo Định  đổ ra sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An.
Cửa sông Bảo Định đổ ra sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An.

Đến năm 1936, chương trình cải tạo cù lao Điều Hòa được thực hiện. Người Pháp dùng xáng thổi cát dưới sông Tiền, lấy đất đào từ kinh Xáng Cụt lấp vàm trái rạch Mỹ Tho và tôn nền cù lao lên cao. Nhà cửa, hãng xưởng được chỉnh trang, lập nhà đèn, nhà máy nước đá, phóng thêm các con đường ngang dọc. Tên cù lao Cầu Dài từ đó đã lùi vào quá khứ.

Cái tên sông Mỹ Tho cũng dần bị mai một theo thời gian khi kinh Bảo Định xuất hiện và ngày nay tên sông Mỹ Tho đã không còn trên bản đồ, thay vào đó là tên gọi sông Bảo Định hay kinh Bảo Định.

KINH ĐÀO ĐẦU TIÊN Ở ĐẤT PHƯƠNG NAM

Tiền Giang vốn là vùng sông nước. Nhiều con kinh đào gắn liền với thời kỳ người Việt đến khẩn hoang và phát triển cơ nghiệp ở vùng đất này. Bảo Định là kinh đào quy mô lớn đầu tiên ở Nam bộ, là một trong những con kinh có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và TP. Tân An, thuộc tỉnh Long An.

Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, trong phần Sơn xuyên chí có ghi về Bảo Định hà như sau: “Bảo Định hà (tục gọi kinh Vũng Gù)…, cửa sông gối vào sông Hưng Hòa (tức sông Vàm Cỏ Tây), cách phía đông bắc trấn lỵ 47 dặm rưỡi. Trước đây, phía Đông Bắc, sông nhỏ Vũng Gù chảy đến quán Thị Cai là hết; phía Tây, sông nhỏ Mỹ Tho chảy đến chợ Lương Phú (tục gọi Bến Tranh, đất thôn Lương Phú) là hết; khoảng giữa là ruộng đất liên tiếp từ Nam đến Bắc.

Năm Ất Dậu, Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế năm thứ 15 (năm 1705), Chánh thống Văn Trường hầu Nguyễn Cửu Vân vâng mệnh vua cho đấp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú, đào hai đầu ngọn cùng của sông nhỏ Vũng Gù và sông nhỏ Mỹ Tho dẫn nước chảy thông, làm hào mương phía ngoài lũy.

Bia Phụng khai tân cảng ký hiện còn đặt bên bờ dòng Bảo Định hà, gần chợ Phú Kiết.
Bia Phụng khai tân cảng ký hiện còn đặt bên bờ dòng Bảo Định hà, gần chợ Phú Kiết.

Sau đó đào sâu thêm, thành đường kinh, ghe thuyền đi được, nhưng dòng chảy đông và tây xa cách, đến chỗ Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông, là chỗ khi đấu dựng cái thang cao để đứng ngắm địa thế phóng đường kinh, nhân đó thành tên đất) thì thủy triều gặp nhau, thành nơi giáp nước, dòng chảy lình bình, khi lên khi xuống, lại có nhiều chỗ quanh quẹo hẹp nhỏ nên bùn cỏ tích tụ, thuyền lớn đến đây phải đợi nước lên đầy mới đi được.

Năm Kỷ Mão, niên hiệu Gia Long thứ 18 (năm 1819), phụng chỉ dụ đo thẳng từ Thang Trông đến Hóc Đùn dài 14 dặm rưỡi, sai Trấn thủ trấn Định Tường là Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong lấy dân phu ở trấn gồm 9.679 người, chu cấp gạo tiền (mỗi người hằng tháng lãnh 1 quan tiền và  1 thùng gạo), chia làm ba phiên, thay nhau đào. Bề ngang kinh 14 tầm, sâu 9 thước, hai bên bờ làm đường quan lộ rộng 6 tầm, hoặc theo dòng cũ uốn nắn làm cho sâu và rộng hơn, hoặc mở đoạn kinh mới cho liền lạc, cứ tiện mà làm. Khởi công ngày 28 tháng Giêng, đến mùng 4 tháng Tư nhuận thì hoàn tất, vua ban tên là “Bảo Định hà”, được tiếng là đem đến lợi ích rộng rãi vậy.”

Quá trình cải tạo kinh Bảo Định được lưu lại trên tấm bia “Phụng khai tân cảng ký” bằng đá sa thạch đặt gần chợ Thang Trông. Nay bia vẫn còn và được dựng trong cái miếu nhỏ ở ấp Phú Khương A, xã Phú Kiết, nằm gần chợ Phú Kiết.

Thời nhà Nguyễn, trên kinh Bảo Định có lập một số giang trạm, nên dân gian thường gọi là kinh Trạm. Người Pháp thì gọi là Arroyo de la poste, được dịch là kinh Bưu Điện. Hiện tại tên sông Bảo Định được gọi cho toàn tuyến trải dài từ sông Vàm Cỏ Tây, TP. Tân An đến sông Tiền tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Với lịch sử hình hành từ hơn 300 năm trước, kinh Bảo Định được xác định là kinh đào đầu tiên ở đất phương Nam.

NHÓM PV - CTV

(còn tiếp)

 

.
.
.