Thứ Sáu, 04/03/2016, 16:31 (GMT+7)
.

Về vùng hạn mặn

Những ngày đầu tháng 3, nắng như cháy da. Chúng tôi bắt đầu cuộc “hành trình” về vùng hạn mặn Gò Công, nơi mà hàng ngày hàng giờ bà con đang tất bật lo toan cho vụ lúa chính năm nay.  

Một điều chắc chắn rằng, trong cuộc hành trình của chúng tôi, xã Bình Đông thuộc TX. Gò Công sẽ là một trong những địa bàn được ưu tiên lựa chọn đầu tiên. Bởi Bình Đông vốn là vùng đất khó.

Nơi ấy, với đặc thù của khu 2 vùng 3 của vùng ngọt hóa Gò Công, sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác. Mùa khô năm nay, Bình Đông lại trở thành một trong những “điểm nóng” của tỉnh khi bị ảnh hưởng rõ nét của tình hình hạn mặn.

Cán bộ phụ trách Giao thông thủy lợi xã Bình Đông dẫn chúng tôi về nơi được xem là “trọng điểm” do chịu ảnh hưởng của hạn mặn trên địa bàn xã. Đó là ấp Lạc Hòa. Cánh đồng lúa của ấp hầu hết đang trong giai đoạn đồng trổ, có thửa cũng chuẩn bị thu hoạch.

Nói như người dân địa phương thì mùa vụ năm nay, thu được hạt nào hay hạt nấy vì nhiều diện tích đất lúa năm nay bị “lép xẹp”, hầu như không thu được gì. Những cánh đồng lúa đang trổ bông cũng đứng “trơ ra” vì không ngậm sữa được do bị nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng.

Bơm nước cứu lúa ở xã Bình Đông.
Bơm nước cứu lúa ở xã Bình Đông.

Người dân ở đây nói với chúng tôi, cứ thấy đám lúa nào sậm màu thì biết là “tiêu rồi”. Nghe thế, chúng tôi ghé vào đám ruộng của ông Sầm Văn Niếu để hỏi thêm một số thông tin. Dẫn chúng tôi xem đám lúa đang trổ, ông Niếu nói: “Mùa này chắc không thu được gì, vì lúa cứ đứng trơ ra và rụi dần. Với khoảng 1,7 ha trồng lúa vụ này, chắc nhà tui lỗ không dưới 17 triệu đồng, chưa tính chi phí nhân công nhà bỏ ra”.

Chúng tôi lần sang các đám lúa xung quanh, có nơi lúa vừa được bà con thu hoạch, rơm rạ còn nằm chỏng chơ; có ruộng người dân để lúa cháy khô, đất đai nứt nẻ nằm trơ với nắng gió, vì hầu hết lúa không cho hạt. Ông Nguyễn Văn Minh, có 4,5 ha trồng lúa, mới thu hoạch xong, mỗi ha chỉ được 17 bao lúa nhưng bán thương lái lại không mua do lúa chất lượng kém, hạt lép rất nhiều.

“Mỗi ha tui phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng chi phí lúa giống, phân thuốc, chưa kể công nhà nhưng vụ này thu hoạch không được gì. Chưa kể, có khoảng ½ diện tích trồng lúa tui bỏ luôn ngoài đồng, vì có gì đâu để mà thu hoạch. Vụ này, lúa trổ nhưng bông lúa không cong, hạt lúa không ngậm sữa, dần dần cây lúa bị đỏ đầu và rụi đi. Những năm trước vụ đông xuân là vụ chính trong năm, cho năng suất rất cao nhưng năm nay lại khác”, ông Nguyễn Văn Minh tâm sự như thế.

Một điều tất nhiên là, ở ấp Hòa Lạc này không chỉ có hộ ông Minh, ông Niếu bị ảnh hưởng mà có nhiều hộ dân khác cũng chịu chung cảnh tương tự. Thống kê của xã Bình Đông cho thấy rằng, đến thời điểm hiện nay có trên 20 ha lúa đã bị nhiễm mặn, cho năng suất rất thấp, có diện tích người dân đành bỏ lúa do không có gì để thu hoạch. Chưa biết, diện tích lúa trên địa bàn xã còn bị ảnh hưởng là bao nhiêu, bởi độ mặn những ngày gần đây tăng lên liên tục do nắng hạn ngày càng gay gắt hơn.

Rời ấp Lạc Hòa, được “thổ địa” dẫn chạy dọc theo những con hẻm ngoằn ngoèo của ấp Hòa Thân, chúng tôi tìm về những nơi bà con tập trung thực hiện công tác ngăn mặn, bơm tưới để cứu lúa. Gần 11 giờ trưa nắng chói chang, nhưng tại điểm dưới chân cầu bắt qua đoạn kinh của ấp, cả chục người dân đang “hì hụt” để che bạt, làm rào tạm để trữ nước, ngăn mặn. Người đóng cây, người căng bạt, người cột dây, không khí rôm rả dường như xua tan đi cái nắng gay gắt của tháng 3. Bà con ở đây cho biết chúng tôi biết, họ đã bắt đầu làm từ sáng sớm, chỉ mong có được ít nước để cứu lúa. Chúng tôi chào tạm biệt khi trời đã quá trưa nhưng người dân ở đây vẫn chưa được nghỉ tay.

Những ngày này, có lẽ tại những điểm bơm cấp nước, tiếng “xì xịch” của những chiếc máy bơm vẫn cứ vang lên liên tục. Người dân tranh thủ từng phút, từng giờ để lấy nước cứu lúa. Không khí tại điểm bơm cấp nước ấp Hòa Thân cũng thế. 4 máy bơm được người phụ trách cho chạy 24/24 giờ, chỉ mong cấp đủ nước cho cánh đồng lúa trong ấp vì những trà lúa ở đây đang bước vào giai đoạn ngậm sữa, chuẩn bị đến mùa thu hoạch.

Cách đó không xa, điểm bơm cấp nước với 7 máy vẫn cứ “ầm ầm” suốt ngày đêm. Ông Dương Văn Việt, người phụ trách chạy máy bơm nước cho chúng tôi biết: “Tranh thủ lấy nước cho cánh đồng lúa vì những ngày gần đây nắng gay gắt hơn, sợ lúa thiếu nước”.

Nước trên dòng kinh Trần Văn Dõng ở xã Tân Điền gần như chạm đáy.
Nước trên dòng kinh Trần Văn Dõng ở xã Tân Điền gần như chạm đáy.

Ngoài Bình Đông, xã Tân Điền của huyện Gò Công Đông cũng là một trong những nơi được xem là “trọng điểm” chịu ảnh hưởng của hạn mặn của tỉnh trong mùa khô năm nay. Chúng tôi đi dọc đoạn kinh Trần Văn Dõng, chỉ chưa đầy 1km của ấp Trung, mà có đến hàng chục điểm bơm cấp nước với rất nhiều máy bơm vẫn đang chạy “xì xịch” liên tục. Ông Trần Văn Nam, nói với chúng tôi, hôm nay đoạn kinh này còn có ít nước, mấy hôm trước cạn khô, nằm trơ đáy.

Bình Đông không còn thiếu nước sinh hoạt

Ngày 3-3, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng trạm cấp nước xã Bình Đông (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn) cho biết, dự kiến trong ngày 5-3, việc khoan 2 giếng tầng sâu tại trạm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, với công suất từ 60-70 m3/giờ. “Với việc đưa vào khai thác 2 giếng tầng sâu cùng với việc đấu nối hệ thống nước sạch của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm được dẫn từ trung tâm TX. Gò Công về các xã Bình Đông, Bình Xuân, tới đây người dân ở xã Bình Đông không còn thiếu nước sinh hoạt”, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Được biết, cách đây không lâu sau khi khảo sát tình hình thực tế ở xã Bình Đông, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng khẩn trương lắp đặt đường ống HDPE, đường kính 160mm, dài 6,3km để đấu nối với hệ thống nước sạch của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm, từ trung tâm thị xã Gò Công về các xã Bình Đông và Bình Xuân với công suất khoảng 40m3/giờ. Ngoài lắp đặt đường ống dẫn nước, ngành chức năng còn khoan hai giếng tầng sâu để lấy nguồn nước ngầm bổ sung cho các trạm cấp nước tập trung tại xã Bình Đông.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn kinh Trần Văn Dõng trong ngày 3-3 chỉ có cũng chỉ có một ít nước nằm lọt thỏm giữa dòng, 2 bên bờ kinh cạn khô, đất nứt nẻ, ghe xuồng nằm chỏng chơ trên cạn.

Tại các điểm bơm nước, người dân phải ra sức dọn dẹp cây cỏ, khoét lổ đặt ống bơm để bơm chắt nước.

Ngay tại ấp Trung, người dân còn dùng cây, bạt để chắn ngang đoạn kinh Trần Văn Dõng để tích nước bơm lên đồng ruộng.

Một điều chắc chắn rằng, những giọt nước cuối cùng cũng sẽ mang không ít phèn mặn nhưng theo người dân ở đây là có nước còn hơn không.

Nếu không bơm, lúa sẽ thiếu nước, khả năng thiệt hại lúa sẽ rất nhiều. Chính vì vậy, dù trời nắng chói chang nhưng bà con vẫn cố giữ máy để bơm nước cho lúa.

Rời Tân Điền, chạy dọc theo đoạn kinh Trần Văn Dõng nằm trơ đáy để kết thúc chuyến hành trình của mình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng về cuộc sống của người nông dân. Dẫu biết rằng, mùa vụ năm nay do hạn mặn đến sớm bà con không kịp trở tay, nhưng nhìn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chúng tôi tự nhủ rằng đời sống của người nông dân thật khó để vươn lên một cách bền vững...

LÂM ANH

.
.
.