.

Đưa 2 văn bản Luật và Pháp lệnh đi vào cuộc sống

Cập nhật: 13:31, 06/07/2012 (GMT+7)

Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29-3-2011; Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 30-6-2011. Cả 2 văn bản Luật và Pháp lệnh đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012. Làm thế nào để 2 văn bản Luật và Pháp lệnh này đi vào cuộc sống, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Kim Mai (ảnh).

PV: Thưa bà, việc Quốc hội khóa XII thông qua Luật phòng, chống mua bán người trong bối cảnh hiện nay là cần thiết?

Bà Trần Kim Mai: Trong những năm gần đây, mua bán người đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt; nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

Đáng chú ý là đã xuất hiện một số đường dây đưa người sang Trung Quốc bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân tử vong. Chính vì vậy, việc Quốc hội khóa XII thông qua Luật Phòng, chống mua bán người là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em.

PV: UBND sẽ tổ chức triển khai như thế nào để Luật Phòng, chống mua bán người đi vào cuộc sống?

Bà Trần Kim Mai: Để tổ chức triển khai những nội dung của Luật Phòng, chống mua bán người thật sự đi vào cuộc sống, giúp cán bộ, công chức và nhân dân nắm vững và thực hiện tốt quy định pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người, từ đó góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người cho lãnh đạo, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo 138 cấp tỉnh…

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn chuyên sâu những nội dung của Luật cho lãnh đạo và cán bộ trong cơ quan, đơn vị mình nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức các hình thức tuyên truyền cho nhân dân nắm vững, lên án, tố giác những hành vi mua bán người, đặc biệt là mua bán, lừa gạt phụ nữ và trẻ em.

UBND huyện, thị, thành tổ chức triển khai Luật Phòng, chống mua bán người cho thủ trưởng các phòng, ban thuộc UBND cấp huyện, đội ngũ báo cáo viên cấp huyện, thành viên Ban chỉ đạo 138 cấp huyện, lãnh đạo UBND, Tư pháp và lực lượng tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, Công an xã. UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền nội dung Luật Phòng, chống mua bán người đến cán bộ, công chức của địa phương.

PV: Xin bà cho biết, để mọi người nhận thức đúng đắn, từ đó tuân thủ những quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện những công việc gì?

Bà Trần Kim Mai: Để tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành khẩn trương xây dựng kế hoạch để tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Pháp lệnh ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo nghiêm túc, có hiệu quả.

Trên cơ sở tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh, cần tổ chức nhiều đợt cao điểm vận động cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm về công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Công an tỉnh chịu trách nhiệm triển khai, tập huấn Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn, đấu tranh với các hành vi vi phạm và hoạt động phạm tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan có liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân viên thuộc quyền. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong cơ quan, đơn vị.

Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Công an các cấp tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến vận chuyển hàng hóa, các cơ sở kinh doanh để phát hiện xử lý các đối tượng, các cơ sở vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị trực thuộc chấp hành các quy định của pháp luật về mua bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ sản xuất.

UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) và các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý tuyên truyền sâu rộng nội dung Pháp lệnh. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, súng săn, súng tự chế, vũ khí thô sơ.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn về an ninh trật tự, phát hiện và tố giác kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật, thực hiện nghiêm túc công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Các tổ chức, cơ quan, đơn vị được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải thường xuyên kiểm tra và chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; không để xảy ra cháy, nổ hoặc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không đúng mục đích làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin cảm ơn bà!

NGUYÊN CHƯƠNG

 
 

.
.
.