Thứ Bảy, 27/07/2013, 09:08 (GMT+7)
.

Ông Lê Minh Khánh, PGĐ Sở NN&PTNT: Cẩn trọng trước dịch cúm A/H5N1

Đó là lưu ý của ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT sau khi UBND tỉnh công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút ở xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo).

Ông Lê Minh Khánh (L.M.K) cho biết, mặc dù UBND tỉnh công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại 2 xã của huyện Chợ Gạo nhưng trên thực tế nếu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không được thực hiện tích cực, triệt để và đồng bộ thì vi rút cúm A/H5N1 trên cút sẽ phát tán trên diện rộng và có khả năng lây sang gia cầm, đặc biệt có thể truyền sang người. Do vậy, người chăn nuôi phải cảnh giác, người tiêu dùng cần cẩn trọng đối với loại bệnh trên.

Phóng viên (P.V): Thưa ông, những triệu chứng nào để chúng ta nhận biết ban đầu về dịch cúm A/H5N1 trên chim cút?

Ông L.M.K: Chim cút nhiễm bệnh trong đợt này hầu hết đều có dấu hiệu cú rủ, xù lông, co giật, quẹo đầu và chết nhanh. Khi mổ chim cút bệnh, có hiện tượng xuất huyết đa phủ tạng (phổi, tim, dạ dày, ruột, gan, thận).

Ngoài ra còn xuất huyết cơ ức, cơ đùi. Trước đây, cúm A/H5N1 trên chim cút đã từng xảy ra nhưng không đáng kể; nhưng thời gian gần đây diễn biến dịch cúm A/H5N1 trên chim cút ngày càng phức tạp.

Điều đáng mừng là đàn gia cầm (trừ cút) ở tỉnh được tiêm phòng vắc xin cúm đạt tỷ lệ cao (86,90%). Tuy nhiên, đến nay chim cút vẫn chưa có vắc xin cúm để tiêm phòng nên dịch cúm A/H5N1 có thể sẽ tấn công mạnh sang đàn chim cút nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi phải luôn cảnh giác để phòng, chống bệnh cho hiệu quả.

PV: Bệnh cúm A/H5N1 trên đàn chim cút xảy ra trong đợt này là do những nguyên nhân nào?

Ông L.M.K: Nguyên nhân chủ yếu là người chăn nuôi còn lơ là trong việc kiểm soát phương tiện vận chuyển, thức ăn, vật dụng, con người… vào trang trại; đặc biệt là thương nhân thu mua trứng hoặc thu gom phân chim cút từ trại này sang trại khác; hầu hết thương nhân và người chăm sóc chim cút chưa được bảo hộ an toàn khi vào trang trại. Ngoài ra, chim, chuột cũng có thể là nguyên nhân lây truyền mầm bệnh từ trại này sang trại khác, từ vùng này sang vùng khác.

Một hộ nuôi cút theo kiểu an ninh sinh học ở huyện Châu Thành nên hạn chế được dịch bệnh.
Một hộ nuôi cút theo kiểu an ninh sinh học ở huyện Châu Thành nên hạn chế được dịch bệnh.

PV: Trước mắt, chúng ta đã triển khai những biện pháp gì cho vùng dịch ở 2 xã nói trên?

Ông L.M.K: Sau khi công bố dịch, chúng tôi đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi huyện Chợ Gạo thành lập 2 chốt kiểm dịch và Đội kiểm tra lưu động để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra ngoài vùng dịch; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý và hạn chế lây lan; chỉ đạo lực lượng thú y địa phương rà soát, thống kê đàn gia cầm và tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm tại xã có dịch và các xã giáp ranh; tổ chức cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con trong khu vực cảnh giác và hợp tác phòng, chống dịch; triển khai tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã có dịch và các xã giáp ranh.

Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền cho người dân không bán chạy gia cầm từ vùng dịch ra ngoài và vận chuyển gia cầm từ ngoài vào trong vùng dịch. Nếu phát hiện, ngành chức năng buộc phải tiêu hủy toàn bộ và không hỗ trợ.

PV: Ông có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi và người tiêu dùng?

Ông L.M.K: Đây là bệnh cúm gia cầm nói chung. Nếu chúng ta chỉ tập trung vào phòng, chống dịch trên chim cút thì còn chủ quan. Mặc dù công bố dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim cút nhưng bệnh có thể lây sang đàn gia cầm và lây sang người. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý gia cầm và trứng gia cầm nấu chín vẫn sử dụng bình thường, tránh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc và không có dấu, giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

PV: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)
 

An ninh sinh học trong chăn nuôi là rất cần thiết

Ông Lê Minh Khánh khẳng định:

An ninh sinh học trong chăn nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh từ môi trường bên ngoài tiếp xúc với đàn vật nuôi. Do vậy, người chăn nuôi phải kiểm soát việc con người, phương tiện, động vật khác ra vào khu vực chăn nuôi. Đảm bảo chuồng trại khô ráo, thoáng mát, chống gió lùa và thường xuyên được tiêu độc khử trùng.

Đối với gia cầm cần phải nâng cao sức đề kháng bằng các loại vitamin, khẩu phần thức ăn có đầy đủ dinh dưỡng. Kinh nghiệm chống dịch trước đây, những chuồng trại nào thực hiện tốt an ninh sinh học thì đều hạn chế được dịch bệnh. Đặc biệt, thời điểm này người chăn nuôi không nên tái đàn chim cút và gia cầm.

 

.
.
.