Thứ Sáu, 13/12/2013, 05:46 (GMT+7)
.
THẦY NGUYỄN QUANG KHẢI, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

Học bổng "Chắp cánh ước mơ" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” bước sang tuổi thứ 7. Bên cạnh sự hỗ trợ về kinh phí của Công ty cổ phần Hùng Vương, đơn vị tổ chức là Báo Ấp Bắc, còn có sự đóng góp không nhỏ của các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện là Trường Đại học Tiền Giang và Hội Khuyến học tỉnh. Là đơn vị phối hợp tổ chức trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” trong 6 năm qua, thầy Nguyễn Quang Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đánh giá:

Thầy Nguyễn Quang Khải trao học bổng cho sinh viên.
Thầy Nguyễn Quang Khải trao học bổng cho sinh viên.

6 năm qua, học bổng “Chắp cánh ước mơ” được trao cho trên 920 lượt học sinh, sinh viên của tỉnh nhà có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, những suất học bổng này còn là sự động viên về tinh thần, giúp các em yên tâm, ấm lòng, vượt qua cảnh nghèo, nỗ lực học tập tốt. Tôi mừng khi biết các học sinh, sinh viên nhận được học bổng này có sự tiến bộ rõ rệt về học tập và rèn luyện trong từng năm học. Hiệu quả của Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” là rất lớn, rất có ý nghĩa như chính tên gọi của nó.

* PV: Với tư cách là đơn vị thụ hưởng, Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” đã đem lại những gì cho sinh viên của Trường Đại học Tiền Giang?

* Thầy Nguyễn Quang Khải: Từ năm 2006 đến nay, có 173 lượt sinh viên Trường Đại học Tiền Giang được nhận học bổng từ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”. Các sinh viên này luôn chuyên cần trong học tập, ra trường với bằng tốt nghiệp khá, giỏi và có việc làm ổn định. Các em Võ Văn Sơn, công tác tại Trường Đại học Tiền Giang (ĐHSP Ngữ Văn - 2006); Dương Trọng Nghĩa, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (ĐHSP Vật lý - 2007); Nguyễn Hữu Phát, kế toán Công ty Coco-Vina  tại Bến Tre (ĐH Kế toán - 2008);

Nguyễn Thị Kim Thoa, nhân viên Công ty Trường Phát TP. Hồ Chí Minh (ĐH Tin học - 2008); Phan Ngọc Anh, giáo viên Trường Mầm non Phước Thạnh (TCSP Mầm non - 2009); Huỳnh Văn Bé Bảy, công tác tại Công ty Rau quả Tiền Giang (Công nghệ thực phẩm - 2010)… từng là những sinh viên nghèo, hoàn cảnh gia đình đáng thương, vươn lên học tốt. Đây cũng là những minh chứng cho hiệu quả của Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ”.

* PV: Thầy mong muốn điều gì đối với Chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” trong thời gian tới?

* Thầy Nguyễn Quang Khải: Là người gắn bó và quan tâm đến chương trình trong 6 năm qua, tôi mong chương trình học bổng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này được tiếp tục duy trì, phát triển thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Báo Ấp Bắc và Công ty cổ phần Hùng Vương, Hội Khuyến học tỉnh và Trường Đại học Tiền Giang để nhiều lượt học sinh, sinh viên nghèo được “chắp cánh ước mơ”.

Tôi cũng mong các em học sinh, sinh viên nhận học bổng từ chương trình này không phụ lòng mong đợi của các đơn vị tổ chức và tài trợ kinh phí, nỗ lực vượt qua cảnh nghèo để học tốt - rèn luyện tốt, chuẩn bị hành trang cho tương lai của chính mình.

* PV: Xin cảm ơn thầy!

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

.
.
.