Thứ Hai, 05/01/2015, 14:42 (GMT+7)
.

Cần nhiều yếu tố để kết nối giữa Hiệp hội và doanh nghiệp

Năm 2014 là một năm đầy “sóng gió” của các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN trên địa bàn tỉnh. Nhiều giải pháp mang tính vĩ mô đã được Chính phủ triển khai nhằm cứu vãn tình trạng “khai tử” của nhiều DN. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang chia sẻ:

Có thể nói năm 2014 là năm kết thúc việc “khai tử” những DN  “sinh non, đẻ ép” trong thời kỳ bùng nổ kinh tế giai đoạn 2007 - 2010. Do đó, sự “chết chóc” trong năm nay có nhiều so với những năm trước thì cũng là việc chẳng đặng đừng, hơn nữa có một số DN chỉ còn việc “chôn” chứ thực chất đã “chết” từ vài năm trước rồi. Vì vậy, qua đợt gọi là “tái cơ cấu” sàng lọc, cuối cùng (năm 2014), hầu hết các DN còn tồn tại đều là những “anh tài, bản lĩnh”.

Do vậy, tôi rất lạc quan tin tưởng đối với các “chiến sĩ xung kích thời bình”, họ là những người đã tồn tại sau bao năm “xông pha” nơi thương trường, trui rèn trong “chiến trường ác liệt” thời bình.

Hơn nữa, năm 2014 vận hành kinh tế vĩ mô có những tín hiệu khả quan và một số kết quả tích cực từ những đàm phán hiệp định thương mại song và đa phương, rồi triển vọng của thị trường thế giới… và thái độ thận trọng cần có của các doanh nhân cho ta nhiều hứa hẹn lạc quan về sự thành công trong năm 2015.

Với các DN Tiền Giang, có thể nói thời gian qua thành lập mới nhiều, giải thể cũng không ít nhưng số đông trong đó là những người “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, quy mô DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn đưa ra kinh doanh còn ít, nên việc giải thể, phá sản không gây tổn hại nhiều.

Cũng phải nói thêm, Tiền Giang thời “bùng nổ” DN không có các nhà đầu tư bất động sản lớn, không có các “đại gia” ngân hàng giàu ảo… nên không có những vụ đổ vỡ dây chuyền “khủng”. Vì vậy, năm 2015 tôi tin các DN Tiền Giang đang hoạt động hiện nay sẽ có nhiều hứa hẹn  “gặt hái bội thu”.

* Phóng viên (PV): Trong diễn biến đó, vai trò của Hiệp hội như thế nào để hỗ trợ các DN ổn định và phát triển?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Gần đây, có dịp đi thăm 50 hội viên (gần ¼ tổng số hội viên) của Hiệp hội DN Tiền Giang, tôi thấy đa phần trong số các DN này hạn chế về nguồn vốn; chất lượng sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường và trình độ quản lý, nguồn nhân lực nói chung là còn yếu. Vì thế, thật khó có thể “vươn vai Phù Đổng” xông ra thị trường trong nước và hội nhập để trở thành “đại gia” nếu không có hỗ trợ của Nhà nước và Hiệp hội.

Họ cần gì? Đó là những chính sách, cơ chế như: Hỗ trợ về thủ tục, đóng tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm thuế, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế như nuôi trồng chế biến… phù hợp để sản phẩm xuất được sau khi thu hoạch, lãi suất vay tương đương các nước trong khu vực, thời hạn vay vốn đủ để đầu tư nhà máy, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…

Vai trò của Hiệp hội DN Tiền Giang nói riêng, các ngành khác nói chung hiện nay cũng chỉ dừng ở mức cao nhất là “đến tận nơi nhìn tận mắt”, nắm chắc tình hình cụ thể những bức xúc trong quá trình tổ chức sản xuất - kinh doanh của từng ngành, nghề, doanh nghiệp… tổng hợp thành văn bản gửi tới các cấp chính quyền. Vấn đề còn lại đều phải do Nhà nước quyết định và thực thi chính sách.

Ngoài ra, Hiệp hội DN có thể làm một số ít dự án như đào tạo nguồn nhân lực (kinh phí do hội viên cử người đi học góp); tổ chức, mời tham gia các hội thảo (kinh phí hội viên tự lo); phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến DN, khen thưởng theo định kỳ…

Tất cả những việc Hiệp hội DN đang làm vừa qua chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu thực tế của DN cần có để vươn lên làm ăn lớn có bài bản, trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TICCO) là 1 trong những hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang hoạt động sản xuất -  kinh doanh  có hiệu quả.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (TICCO) là 1 trong những hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

* PV: Có ý kiến cho rằng vai trò của Hiệp hội DN Tiền Giang khá mờ nhạt trong việc gắn kết, hỗ trợ cho các DN phát triển. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Nhận xét trên không sai, thực ra thường trực Hiệp hội DN Tiền Giang cũng nhận rõ điểm yếu này, vấn đề là “lực bất tòng tâm”.

Thứ nhất là các hội ở nước ta nói chung hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý chưa mạnh. Chúng ta chưa có luật về các hội dù Chính phủ có nghị định cho phép thành lập hội (đặc thù và không đặc thù), nhiều hội ra đời nhưng khi tổ chức thực hiện thì hiệu quả đối với hội viên còn rất hạn chế.

Chiếc “cầu nối” đã có nhưng mong manh, không đủ tải trọng cho việc chuyên chở các mong muốn,‎ các ý tưởng của DN tới chính quyền và ngược lại, chất kết dính chưa đủ mạnh để gắn các DN với nhau hầu mong cùng mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao.

Thứ hai, cán bộ hội thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức, trong khi đó mọi hoạt động của hội đều phải chủ động từ kinh phí đến công việc vì quyền lợi của hội viên… nên “nghĩ mãi mà không biết làm gì để được mọi DN yêu thích, tin tưởng”. Hội viên lại mong mình được Hiệp hội giải quyết những bức xúc của mình, nếu không được thì mất lòng tin, thiếu gắn bó, đóng góp.

Thứ ba là vấn đề kinh phí hoạt động, ngay cả hội đặc thù thì Nhà nước cũng chỉ cấp rất hạn chế, trong khi Hiệp hội DN Tiền Giang không phải hội đặc thù. Các dịch vụ công có thu phí thì các cơ quan Nhà nước vẫn làm.

Nhà đất, mặt bằng không có thì lấy gì làm cơ sở kinh doanh lấy nguồn thu. Hội phí của hội viên không đủ trang trải chi phí hành chính, chưa nói đến tiền trợ cấp cho cán bộ, nhân viên thường trực… cho thấy hoạt động hỗ trợ hội viên là một việc nhiều khó khăn. 

* PV: Thế theo ông, để cho Hiệp hội thật sự là “chiếc cầu” nối cho các DN, thì cần những yếu tố nào?

* Ông Trần Đỗ Liêm:  Để “chiếc cầu” nói trên vững chắc đủ tải trọng cho các DN “qua lại” với chính quyền không cần phải qua “cò” thì Hiệp hội DN Tiền Giang phải có đội ngũ cán bộ không chỉ có tâm như hiện nay mà cần có cả tài, có kinh nghiệm (có thể phải đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài) để làm việc và tạo ra kinh phí hoạt động.

Nhà nước cần có luật về hội tạo cơ sở pháp lý‎ vững chắc lâu dài để hội hoạt động. Nhà nước nên xã hội hóa chuyển cho các hội những dịch vụ công, vừa giảm biên chế bộ máy công quyền vừa giúp hội tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN hầu kiếm thêm kinh phí cho các hoạt động.

Ngoài ra, giao kinh phí và quyền đào tạo, cấp chứng chỉ chuyên môn, những nghề đơn giản, ngắn ngày cho hội tổ chức. Như vậy, Hội vừa hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực phù hợp yêu cầu của DN, vừa có kinh phí hoạt động.

Theo tôi, các hội, Hiệp hội DN hiện nay đang chỉ là “tập sự” cho cả một con đường đi lâu dài đầy khó khăn nhưng không thể thiếu và rất cần thiết cho lịch sử phát triển của DN cũng như kinh tế Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)
 

.
.
.