Thứ Sáu, 06/03/2015, 19:40 (GMT+7)
.
BÀ NGUYỄN THỊ SÁNG, CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH:

Phụ nữ cần rèn mình trước thời cuộc

Từ bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ luôn gắn liền với những giá trị đạo đức chuẩn mực. Bà Nguyễn Thị Sáng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ:

Thước đo giá trị luôn có sự biến chuẩn theo thời gian. Theo quan niệm của Nho giáo, phụ nữ phải đạt chuẩn tứ đức là “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, phẩm chất của phụ nữ Việt Nam được Bác Hồ gói gọn trong 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong cuộc sống hiện đại, đòi hỏi giá trị chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Tự tin là tin vào bản thân mình. Biểu hiện cụ thể của tự tin là tự đánh giá được bản thân; có chí tiến thủ, không ngại khó khăn, thử thách, coi khó khăn là môi trường để rèn luyện; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm; quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử trí mọi tình huống khó khăn trong cuộc sống; tự lực, tự chủ, thích độc lập; thái độ hợp tác cao, sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; thắng không kiêu, bại không nྣn, “coi thất bại là mẹ thành công”; mạnh dạn trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm, chính kiến của bản thân.

Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Biểu hiện của tự trọng là tôn trọng pháp luật của Nhà nước, quy tắc ứng xử của tập thể, cộng đồng; tôn trọng những chuẩn mực đạo đức xã hội; coi trọng danh dự bản thân và có lòng tự tôn dân tộc.

Trung hậu là trung thực, trung thành, nhân hậu trong quan hệ với mọi người. Biểu hiện của lòng trung hậu là: Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ; sống nhân ái, vị tha, trung thực, thẳng thắn, cương trực. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam.

Đảm đang là biết lo toan, sắp xếp để thực hiện được cả công việc gia đình và xã hội. Đức tính đảm đang không phải là người phụ nữ phải cáng đáng hết mọi việc, mà sự đảm đang của người phụ nữ thể hiện ở sự sắp xếp, phân công công việc hợp lý, thu hút các thành viên tích cực tham gia công việc gia đình; chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định, đóng góp vào nguồn thu của gia đình; tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình; quan tâm chăm sóc, nuôi con khỏe - dạy con ngoan; chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm; biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, nâng cao trình độ và chăm sóc bản thân.

* PV: Với vai trò là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã làm gì để hỗ trợ cho phụ nữ rèn mình, thưa bà?

  * Bà Nguyễn Thị Sáng: Từ năm 2010, những chuẩn mực trên đã được các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp phụ nữ thông qua việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giúp phụ nữ nâng cao trình độ, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần. Cụ thể, hiện nay tỷ lệ biết chữ của nữ độ tuổi dưới 40 trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả 4 xã khó khăn nhất của huyện Tân Phú Đông nếu trừ diện miễn giảm đều đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu 99,9% vào năm 2015. Đặc biệt, số nữ cán bộ, giáo viên đã và đang học sau đại học của tỉnh là 166 người, chiếm tỷ lệ 52,86%, trong khi chỉ tiêu của UBND tỉnh đến năm 2015 là 40%...

 * PV: Bà vui lòng nói về kế hoạch hỗ trợ phụ nữ của Hội LHPN trong thời gian tới?

  * Bà Nguyễn Thị Sáng: Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2014, Hội LHPN các cấp tiếp tục phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; vận động chị em tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục vận động chị em học tập, rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; nâng cao chất lượng Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tích cực tham gia các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, chú trọng việc tham mưu giới thiệu cán bộ nữ vào cấp ủy, phấn đấu đạt tỷ lệ theo quy định; chủ động và phối hợp thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em…

  * PV: Để đạt được tứ đức trong giai đoạn hiện nay, theo bà phụ nữ cần phải làm gì?

  * Bà Nguyễn Thị Sáng: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang là những phẩm chất đạo đức của người phụ nữ trong thời đại mới. Đây là những chuẩn mực để chị em phụ nữ noi theo mà hoàn thiện mình. Để đáp ứng được những yêu cầu của thời đại mới hiện nay, điều đầu tiên là người phụ nữ phải có tri thức, do đó chị em cần học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Tri thức chính là chìa khóa để chị em mở cánh cửa tự tin. Thứ hai là, chị em phải có sức khỏe tốt.

Một yêu cầu nữa, đó là chị em phải biết tự trọng và đảm đang. Tất nhiên, trong cuộc sống không phải ai cũng đạt được tứ đức của phụ nữ trong thời đại mới. Chính vì vậy, chị em cần phải nỗ lực để rèn mình và việc rèn luyện này phải luôn được thực hiện. Song song với việc tự rèn theo tứ đức của thời đại mới thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là điều mà chị em cần tiếp tục phát huy.

 * PV: Xin cảm ơn bà!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.