Thứ Sáu, 06/03/2015, 19:56 (GMT+7)
.
TS. VÕ HÙNG DŨNG, GIÁM ĐỐC PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - CHI NHÁNH CẦN THƠ:

Mỗi doanh nghiệp cần dựa trên nền tảng chất lượng và thương hiệu

Theo dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2015 tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đa phương: Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định song phương, ngoài các lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam, các ngành sản xuất trong nước cũng được dự báo là chịu tác động tiêu cực, nhất là đối với nông nghiệp. Liên quan đến bối cảnh kinh tế năm 2015, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ nhận định:

Tôi nhận định năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014. Có thể nói năm 2015 là năm bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới của Việt Nam. Những nghiên cứu, dữ liệu so sánh cho thấy rằng, trong khoảng từ năm 2008 đến nay, có nhiều năm khó khăn, đặc biệt là năm 2011, năm 2012 và sang năm 2013 có sự ổn định hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) vẫn còn dấu ấn tâm lý rất lớn của tình hình kinh tế năm 2011 và năm 2012.

Sang đầu năm 2014, DN vẫn còn có những lo ngại nhưng dần dần ổn định hơn so với năm 2013. Điều này một phần bắt nguồn từ những chính sách của Chính phủ được ban hành trong những năm qua bắt đầu có hiệu lực.

* Phóng viên (PV): Đâu là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, thưa ông?

* TS. VÕ HÙNG DŨNG: Ba vấn đề chính trong năm 2014 được đánh giá là có dấu hiệu của giai đoạn nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng. Đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,93%; lạm phát ở mức khá thấp, có cả nguyên nhân của giá dầu giảm nhưng phần lớn là nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định tình hình lạm phát và việc ổn định của tỷ giá, cũng như lãi suất ngân hàng có chiều hướng giảm.

3 dấu hiệu đó cho thấy, các vấn đề khó khăn của nền kinh tế đã tạm lắng, các DN bắt đầu giai đoạn phục hồi và phát triển. Những dữ liệu này cũng có thể so sánh với thời kỳ suy thoái kéo dài của Việt Nam trong những năm 1985 và năm 1990. Sau một giai đoạn như vậy, có những nỗ lực giải quyết về thể chế, những chính sách mới được ban hành, nền kinh tế Việt Nam sẽ năng động và tăng trưởng trở lại.

Tôi muốn nhấn mạnh là tâm lý bi quan, lo ngại của năm 2014 vẫn còn nhưng với những chính sách mới, quyết tâm của Chính phủ, các dấu hiệu của nền kinh tế, kể cả nền kinh tế thế giới làm cho DN cảm thấy có phần phấn khích hơn. Những dấu hiệu này sẽ nhanh chóng triển khai thành hành động của các DN.

* PV: Năm 2015 dự báo Hiệp định TPP sẽ được ký kết. Ông có thể nhận định những tác động của TPP đối với nền kinh tế của Việt Nam nói chung và đối với các DN nói riêng?

* TS. VÕ HÙNG DŨNG: Thật ra mà nói, những hiệp định lớn như TPP rất khó dự báo thời gian nào sẽ được ký kết. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng thế nào rồi cũng đạt được vì đó là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Mỗi quốc gia đều đeo đuổi lợi ích của quốc gia đó và phải cân bằng được các lợi ích. Đó là vấn đề khó.

Nếu người đứng ngoài cuộc đôi khi nóng lòng nhưng những người trong cuộc đàm phán hiệp định có những khó khăn nhất định. Hiệp định TPP giải quyết rất nhiều vấn đề nên Chính phủ thận trọng để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Tuy các vấn đề còn lại ít nhưng là những vấn đề khó, nên cũng khó dự báo sẽ kết thúc đàm phán vào lúc nào.

Doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng chất lượng và thương hiệu.
Doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng chất lượng và thương hiệu.

Còn đánh giá về tác động của TPP, nói chung là có nhiều thuận lợi, còn không thuận lợi chắc chắn sẽ không có quốc gia nào tham gia. Tất nhiên, bất cứ vấn đề nào cũng có những khó khăn, thách thức. Tôi nghĩ rằng, lợi ích nhất của TPP là tạo ra thể chế mới đối với các chính sách, buộc phải thay đổi để phù hợp với sân chơi chung. Thứ hai là TPP sẽ mang lại thị trường lớn, có tính chất bổ sung cho nhau.

Nhiều nước trong TPP có tiềm lực hùng mạnh như Nhật Bản, Hoa Kỳ, một số nước khác cũng không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Chẳng hạn nông nghiệp của Nhật Bản khác với Việt Nam, ở phân khúc giá trị rất cao; còn nếu chúng ta xuất hàng sang Nhật Bản sẽ là cơ hội các nhà đầu tư Nhật sang Việt Nam để đầu tư.

Nói chung, nhiều lĩnh vực đều có lợi, từ nông sản, thủy sản đến dệt may, khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Tất nhiên cũng có những thách thức. Đó là những áp lực về cạnh tranh. Nhưng quá trình đổi mới của Việt Nam từ những năm 1990 đến nay cho thấy, những lần có những thách thức lớn, về phía chính sách đều có những thay đổi để thích ứng; phía DN cũng có nỗ lực để hội nhập. Nếu không có áp lực thì đổi mới cũng không mạnh mẽ lắm.

* PV: Như vậy, bản thân DN cần có chuẩn bị gì?

* TS. VÕ HÙNG DŨNG: Thật sự rất khó để nói rằng DN cần phải chuẩn bị những gì. Bởi hiện tại DN chỉ nghe nói về những tác động của quá trình hội nhập, trước mắt là TPP, còn cụ thể như thế nào thì chưa rõ ràng, nên cũng rất khó khuyên DN làm gì. Chỉ có điều mà các chuyên gia đã nhiều lần nói là mỗi DN nên xây dựng thương hiệu, tạo nền tảng cho sự cạnh tranh. DN ở Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên những thế mạnh hiện có cần được triển khai đi vào chiều sâu, vào chất lượng. Chỉ có dựa trên nền tảng chất lượng tốt, mới có thương hiệu và từ đó mới mong sự phát triển bền vững.

* PV: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.