Thứ Hai, 26/01/2015, 14:10 (GMT+7)
.
Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tiền Giang:

Hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2015 dự báo sẽ sáng sủa hơn

Năm 2014, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình hình bất ổn trên biển Đông đã có những tác động không tốt đến sản xuất - kinh doanh; từ đó có ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Ngân hàng (NH) và các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động của tài chính ngân hàng trong năm 2015 có dấu hiệu phục hồi khi ngay đầu năm cổ phiếu của ngành Ngân hàng liên tục tăng. Xung quanh vấn đề này, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Tiền Giang cho biết:

Nhìn chung, tình hình hoạt động của ngành NH năm 2014 tuy còn khó khăn nhưng thuận lợi hơn so các năm trước, các hoạt động trong năm đều tăng trưởng cao, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Theo tôi “điểm sáng” của ngành NH đạt được trong năm là công tác đầu tư tín dụng của NH có hiệu quả đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sản suất sau một thời gian dài khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế suy thoái.

Nhiều chính sách tín dụng kích cầu cho nền kinh tế với lãi suất thấp đã hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất - kinh doanh nên trong năm tín dụng tăng trưởng 18,24% so năm 2013, cao hơn mức bình quân chung toàn ngành (13%) vượt 5,24% so kế hoạch đã đề ra.

* Phóng viên (PV): Trong những kết quả đó, đâu là “điểm nhấn” trong công tác điều hành của NHNN, cụ thể là NHNN - Chi nhánh Tiền Giang, thưa ông?

* Ông Võ Thanh Nhã: Để đạt được kết quả trên, công cụ lãi suất đã được NHNN - Chi nhánh Tiền Giang tổ chức điều hành rất chặt chẽ và chúng tôi xem đây là “điểm nhấn” quan trọng để kích thích kinh tế phát triển và đem lại lợi nhuận chính cho NH.

Để thực hiện được điều đó, NHNN đã tổ chức quản lý chặt chẽ việc áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ; đối với những đối tượng không áp trần lãi suất cho vay hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức họp giao ban để kêu gọi, kiểm tra giám sát các NH giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho các thành phần kinh tế.

Hiện trên địa bàn tỉnh cơ cấu dư nợ cho vay có lãi suất từ 13%/năm trở xuống chiếm gần 99% tổng dư nợ. Lãi suất trên 13% chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ chiếm 1,41%), trong khi đó toàn ngành mức lãi suất này chiếm 10,65%/tổng dư nợ. Lãi suất cho vay từ 9% trở xuống đạt 54,95%/tổng dư nợ, tăng 17,01% so với đầu năm là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng dư nợ vượt kế hoạch.

Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Tiền Giang. Ảnh: T. Thiện
Giao dịch tại Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Tiền Giang. Ảnh: T. Thiện

* PV: Các doanh nghiệp (DN) cho rằng việc tiếp cận vốn NH trong năm qua vẫn còn khó khăn. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

* Ông Võ Thanh Nhã: Việc DN kêu khó tiếp cận vốn NH là vấn đề mà cả DN và NH chúng tôi chưa thể lý giải được, vì những phản ảnh đó NHNN chưa ghi nhận được cụ thể (NH thương mại nào, lúc nào, nhu cầu vay, điều kiện vay như thế nào…).

Hiện nay, nguồn vốn huy động của chúng tôi còn thừa trên 8.000 tỷ đồng phải điều hòa về trên. Mục đích của ngành NH là huy động để cho vay, nếu không cho vay được thì chúng tôi sẽ bị lỗ. Trong năm qua NHNN đã tổ chức hội nghị kết nối giữa NH với DN và các thành phần kinh tế ở tất cả các huyện, thị, thành, Hiệp hội DN, thành viên Liên minh HTX tỉnh.

Qua các hội nghị đó, NHNN đã giải thích, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của DN nên việc tiếp cận vốn được thuận lợi hơn. Đến nay, DN còn khó tiếp cận vốn vay NH chỉ là số ít DN vay thiếu tài sản đảm bảo, có phương án sản xuất - kinh doanh chưa khả thi, nợ cũ tồn đọng nhiều nên NH không dám đầu tư vốn. Hiện tại, NHNN sẵn sàng đối thoại, trả lời những vướng mắc của DN trong vấn đề khó tiếp cận vốn NH.  
* PV: Các NH thương mại lại cho rằng việc thu hồi nợ xấu rất khó. Ông có thể cho biết NHNN có giải pháp gì đễ hỗ trợ cho các NH thương mại trong vấn đề này?

* Ông Võ Thanh Nhã: Trong điều kiện kinh tế suy thoái, hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả nên những năm gần đây tình trạng nợ xấu của NH đang có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn Tiền Giang, NHNN tỉnh rất quan tâm đến việc xử lý nợ xấu tại các NH.

Ngoài giải pháp tự xử lý của NH thương mại, hàng năm chúng tôi đều tổ chức hội nghị với cơ quan thi hành án để tìm biện pháp tích cực trong việc thu hồi nợ, do đó nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ trọng rất thấp, năm 2014 chỉ chiếm 1,61% trên tổng dư nợ, giảm 0,27% so với năm 2013.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh năm 2015 của Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) cho thấy thị trường đang đón nhận tích cực trước các định hướng và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) đều kỳ vọng về một môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn trong năm 2015.

Đa số các TCTD nhận định, so với năm 2013 tình hình kinh doanh của họ trong năm 2014 đã cải thiện hơn, trong đó có 1/3 TCTD đánh giá là “cải thiện nhiều”.

2 yếu tố nội tại được cải thiện nhiều nhất là “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD” và “Chính sách và năng lực quản trị rủi ro của TCTD”.

Ngoài 2 yếu tố trên, “Năng lực tài chính của TCTD” trong năm 2015 cũng được kỳ vọng là nhân tố sẽ cải thiện nhiều nhất so với năm 2014.

* PV: Ông nhận định thế nào về “bức tranh” của ngành NH trong năm 2015? Kế hoạch của NHNN - Chi nhánh Tiền Giang để thực hiện tốt các chỉ tiêu mà NHNN đã đề ra?

* Ông Võ Thanh Nhã: Tình hình kinh tế năm 2015 dự đoán sẽ có sự phục hồi nhưng chưa vững chắc; tổng cầu toàn xã hội có tăng, nên sức sản xuất sẽ tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, hoạt động NH trong năm 2015 cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế.

Tuy nhiên, căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành đã đề ra trong năm và tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH Tiền Giang trong năm 2015, NHNN tỉnh đã đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng là 14 - 16% (Trung ương từ 13 - 15%), huy động vốn tăng trưởng thấp nhất 14%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (Trung ương dưới 3%).

Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối giữa NH với DN nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, tăng cường quản lý hoạt động NH an toàn, hiệu quả, quyết tâm đạt được chỉ tiêu, góp phần tích cực vào việc hoàn thành Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh để thiết thực chào mừng Đại hội Đảng các cấp.

* PV: Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

Định mức lãi suất cho vay tối thiểu năm 2015 của Quỹ Đầu tư phát triển

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 3618/QĐ-UBND ban hành mức lãi suất cho vay tối thiểu năm 2015 của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang. Theo đó, mức lãi suất cho vay tối thiểu năm 2015 của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang như sau:

Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang quyết định mức lãi suất cho vay đối với từng dự án cụ thể thuộc lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên của tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 theo quy định tại Nghị quyết 66/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND tỉnh, nhưng không được thấp hơn mức cho vay tối thiểu là 7,8%/năm.

Trường hợp UBND tỉnh chỉ định cho vay các dự án khác hoặc quyết định cho vay các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên của tỉnh giai đoạn 2014 - 2015 theo quy định tại Nghị quyết 66/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 của HĐND tỉnh với lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay tối thiếu là 7,8%/năm, UBND tỉnh xem xét quyết định việc cấp bù phần chênh lệnh giữa mức cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển và lãi suất chỉ định cho vay đối với dự án đó.

Mức lãi suất cho vay tối thiểu là 7,8%/năm được áp dụng kể từ ngày 1-1-2015.

Đối với các hợp đồng tín dụng vay vốn đã ký trước ngày 1-1-2015 và được giải ngân thì tiếp tục thực hiện theo mức lãi suất cho vay theo hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Trường hợp chưa giải ngân thì có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp với mức cho vay tối thiểu năm 2015.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và các quyết định trước đây trái với quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.

TA

 

.
.
.