Thứ Bảy, 08/09/2018, 21:00 (GMT+7)
.
ĐỒNG CHÍ PHẠM TRƯỜNG GIANG, VỤ TRƯỞNG VỤ BHXH, BỘ LĐ-TB&XH

Chính sách BHXH cần hướng đến quyền lợi của người lao động

Đồng chí Phạm Trường Giang.
Đồng chí Phạm Trường Giang.

(ABO)- Liên quan đến chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang được dư luận quan tâm, sáng ngày 8-9, đồng chí Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ với phóng viên Báo Ấp Bắc:

Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chính sách BHXH đều được coi là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Bởi vì, chính sách BHXH ngoài ý nghĩa về kinh tế, xã hội còn có ý nghĩa chính trị do phạm vi tác động rộng lớn không chỉ đối với người lao động đang làm việc mà cả người lao động đã hết tuổi lao động; không chỉ lao động khu vực chính thức mà cả lao động phi chính thức.

Về ý nghĩa kinh tế, chính sách BHXH giúp người lao động và gia đình ổn định cuộc sống thông qua cơ chế bù đắp phần thu nhập bị giảm, bị mất khi người lao động gặp phải các rủi ro trong quá trình lao động như: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; thất nghiệp; hưu trí; tử tuất. Bên cạnh đó, quỹ BHXH luôn là một quỹ tài chính lớn nhất ngoài ngân sách Nhà nước; khi nguồn kết dư quỹ BHXH được sử dụng một cách hiệu quả sẽ trở thành nguồn tài chính lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.

Về ý nghĩa xã hội, chính sách BHXH tạo sự gắn kết xã hội, đoàn kết giữa các thế hệ thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro giữa người trẻ, khỏe cho người già, yếu; giữa người may mắn ít gặp rủi ro với người không may mắn gặp nhiều rủi ro; giữa doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực ít có nguy cơ sa thải lao động với doanh nghiệp nhỏ nguy cơ sa thải nhiều lao động.

Về ý nghĩa chính trị, chính sách BHXH thông qua chức năng thị trường lao động tích cực (Chính sách tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp) giúp cho doanh nghiệp sử dụng người lao động lâu dài, có các biện pháp chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, phòng ngừa tình trạng sai thải lao động từ đó làm giảm tình trạng thất nghiệp giúp ổn định chính trị. Bên cạnh đó, khi thực hiện tốt chính sách BHXH chính là thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định giữa người lao động và người sử dụng lao động.

* Phóng viên (PV): Có phải một trong các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là sẽ tăng thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 15 năm lên 20 năm, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phạm Trường Giang: Thông tin cải cách chính sách BHXH sẽ tăng thời gian đóng BHXH lên 20 năm mới được nghỉ hưu là hoàn toàn không chính xác. Định hướng cải cách chính sách BHXH đã được Trung ương thông qua là thời gian tới sẽ điều chỉnh giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu hằng tháng từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm.

Đồng thời, giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm cũng là tạo điều kiện để những người ở độ tuổi 45 - 50 hiện chưa tham gia BHXH có thể tham gia và được hưởng lương hưu khi họ về già.

Chú trọng đến đời sống người lao động.
Chính sách BHXH chú trọng đến đời sống người lao động.

* PV: Thưa đồng chí, cải cách chính sách BHXH có thể sẽ tăng tuổi nghỉ hưu, có phải việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ thực hiện đồng loạt? Và như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào tới người lao động, đặc biệt lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?

* Đồng chí Phạm Trường Giang: Nghị quyết số 28-NQ/TW có đề cập tới vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ không tăng tuổi nghỉ hưu một cách đồng loạt cho tất cả mọi người lao động.

Những người lao động đặc thù như người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay là những người sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) vẫn được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu chung.

Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chưa áp dụng ngay mà được thực hiện theo lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực.

* PV: Để cải cách chính sách BHXH thì cần sửa đổi một số luật, vậy có phải Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa Luật BBHXvào tháng 10 tới?

* Đồng chí Phạm Trường Giang: Thông tin Chính phủ đang trình Quốc hội sửa Luật BHXH vào tháng 10 tới là hoàn toàn không chính xác. Hiện nay, chưa có kế hoạch cụ thể nào về việc sửa đổi Luật BHXH. Để triển khai những nội dung cải cách chính sách BHXH, Chính phủ, Quốc hội phải tiến hành tổng kết, đánh giá chính sách hiện hành, trên cơ sở đó mới đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan (như Bộ luật lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm,..).

Quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, Chính phủ, Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ lưỡng từng vấn đề (trong đó có cả nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu), tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động, những người chịu tác động của chính sách để tiếp thu, hoàn thiện, ban hành chính sách phù hợp nhất.

t
Hướng đến xây dựng hệ thống BHXH toàn dân, không có bất kỳ ai bỏ lại phía sau.

* PV: Thưa đồng chí, việc cải cách chính sách BHXH sẽ đem đến những lợi ích gì cho người lao động? Liệu họ có bị ảnh hưởng hay thiệt thòi gì sau khi cải cách?

* Đồng chí Phạm Trường Giang: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được cộng đồng quốc tế đánh giá là “một nghị quyết mang tính đột phá về cải cách BHXH, đưa Việt Nam tiệm cận đến các nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới trong lĩnh vực chính sách an sinh xã hội”.

Nội dung của Nghị quyết xoay quanh mục tiêu bảo đảm tốt hơn quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân với một số nội dung nổi bật là xây dựng hệ thống BHXH toàn dân hướng tới việc mọi người cao tuổi đều có lương hưu, không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau: Tiền lương đóng BHXH sát với thu nhập để lương hưu cao hơn; những ai đến tuổi nghỉ hưu mà không đạt đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có thể nhận được trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước (mức hưởng tùy thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước) và sửa đổi công thức tính lương hưu theo hướng chia sẻ. Người có tiền lương thấp sẽ được chia sẻ để lương hưu không quá thấp như kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, nhà nước hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện và có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động có nguy cơ bị sa thải. Cải cách chính sách BHXH hướng tới mở rộng thêm nhiều quyền lợi cho người lao động; hướng tới việc nâng cao tay nghề, năng suất lao động, duy trì việc làm, tăng thu nhập và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Những doanh nghiệp gặp khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ để duy trì việc làm lâu dài cho người lao động, hướng tới việc làm bền vững.

Bên cạnh cải cách chính sách BHXH, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, Trung ương quyết tâm cải cách cả việc thực hiện chính sách BHXH khi tới đây sẽ đánh giá số giờ giao dịch của cơ quan BHXH phải đạt chuẩn ASEAN4 và đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH phải đạt 80% vào năm 2020…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

ANH PHƯƠNG - THÀNH LONG (thực hiện)

.
.
.