Thứ Hai, 01/07/2019, 20:20 (GMT+7)
.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II TRẦN THANH THẢO, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ:

Cần có cái nhìn khách quan và toàn diện về ngành Y

(ABO) Trong các cuộc tiếp xúc nhân dân của thành viên UBND tỉnh, trong đó có Giám đốc Sở Y tế về Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thời gian qua, người dân đã có nhiều ý kiến phản ánh về thái độ phục vụ của y, bác sĩ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa tốt. Về vấn đề này, Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế cho rằng:

BS CKII Trần Thanh Thảo trong lần gặp gỡ nhân dân xã Đăng Hưng Phước  (huyện Chợ Gạo).
BS CKII Trần Thanh Thảo trong lần gặp gỡ nhân dân xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo).

Cần có cái nhìn khách quan và toàn diện về nghề Y. Sự hài lòng của người dân là một trong những nhân tố quan trọng phản ánh chất lượng dịch vụ hành chính công do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp.

Các nghiên cứu đã đúc kết mấy nhân tố có ảnh hưởng đáng kể đến sự hài lòng của người dân gồm năng lực phục vụ của cán bộ; quy trình và thủ tục phục vụ; thái độ và mức độ phục vụ; cơ sở vật chất, trang thiết bị và sự hợp tác của người dân. Phản ánh của người dân về ngành Y tế qua các buổi gặp gỡ nhân dân vừa qua đều thể hiện những nhân tố nói trên.

* Phóng viên (PV): Bác sĩ nghĩ thế nào về những phản ánh của người dân tại các buổi gặp gỡ?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Đối với ngành Y tế, chất lượng chăm sóc y tế của một cơ sở khám, chữa bệnh phụ thuộc vào các yếu tố: Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thái độ phục vụ. Trong đó, thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự đánh giá của bệnh nhân về sự hài lòng.

Phản ánh của người dân về thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc sẽ giúp cho ngành Y tế nắm bắt thông tin để phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Qua đó có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và những khiếm khuyết của quy trình vận hành.

Mặt khác, qua những phản ánh, chúng tôi có cơ hội giải đáp để người dân có thể hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức, vướng mắc cũng như những áp lực của cán bộ y tế như: Áp lực của việc thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT), tình trạng quá tải trong điều kiện thiếu bác sĩ, áp lực của tính khẩn trương, nghiêm trọng của bệnh lý cấp cứu… Đây còn là cơ hội để ngành Y tế tuyên truyền chính sách pháp luật BHYT cho người dân được biết rõ hơn, nhất là những người hiểu nhầm về quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, đôi khi người bệnh cũng có những đòi hỏi quá đáng, không đúng quy định. Chẳng hạn như yêu cầu chuyển tuyến ngay trong khi chứng bệnh đó cơ sở vẫn điều trị được. Hay như có nhiều ý kiến yêu cầu cơ sở y tế công lập phải khám bệnh ngoài giờ và kể cả ngày nghỉ với lý do người dân bận làm việc trong những ngày thường.

Điều này gây khó khăn cho ngành Y tế, bởi vì trừ bệnh nhân cấp cứu ngành vẫn phục vụ; đồng thời, chỉ có những cơ sở đủ nguồn lực, điều kiện mới được cấp phép hoạt động ngoài giờ và ngày nghỉ. Đó là chưa kể đến cán bộ, viên chức ngành Y tế cũng cần phải được nghỉ ngơi theo đúng pháp luật lao động quy định.

Thực tế cho thấy, những ngành tiếp xúc nhiều và tiếp xúc trực tiếp với người dân sẽ được phản ánh nhiều hơn. Những ngành phục vụ mang tính an sinh xã hội sẽ khó được đánh giá là hài lòng. Ngành Y tế mỗi năm tiếp nhận hơn 4 triệu lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đây là một áp lực rất lớn đối với ngành. Đặc biệt, ngành Y tế là ngành liên quan đến sức khỏe và sinh mạng con người thì yêu cầu của đối tượng phục vụ rất cao và khắt khe.

Cụ thể, đối tượng phục vụ của ngành Y tế là người bệnh và thân nhân người bệnh. Đây là những đối tượng luôn chịu sự lo lắng, đau đớn, khẩn trương, mong muốn giải quyết ngay một số tình huống trong khi phải chờ có thời gian như: Chờ thuốc giảm đau, chờ kết quả xét nghiệm để quyết định chẩn đoán và xử trí… nên việc làm hài lòng tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi là không hề dễ dàng.

* PV: Có trường hợp phản ánh nào của người dân trong các cuộc gặp gỡ PAPI mà theo bác sĩ là chưa chính xác, chưa toàn diện?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Như đã nói ở trên, ngành Y tế luôn cầu thị lắng nghe để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Do đó, những ý kiến đóng góp của người dân luôn được ngành trân trọng và tiếp thu. Tuy nhiên, khi góp ý kiến cần cho chúng tôi nội dung vụ việc cụ thể để có thể giải quyết, xử lý.

Tại các cuộc gặp gỡ PAPI vừa qua, người dân đều có những phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức ngành Y tế nhưng hầu hết đều là phản ánh chung chung không thể xác minh được. Có trường hợp phản ánh theo dư luận, theo thói quen hoặc nghe người khác nói rồi nói lại mà không xác minh đúng sai. Một số trường hợp đã được giải quyết đúng quy định pháp luật, nhưng người dân vẫn phản ánh vì kết quả giải quyết không như ý muốn của họ…

Đặc biệt, một số trường hợp phản ánh của người dân sau khi xác minh thì lại là thông tin bịa đặt, không có thật. Cụ thể như trường hợp của một người dân ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho rằng con ông ấy có BHYT mà Phòng Khám đa khoa Phú Mỹ thu tiền khi điều trị bệnh; đồng thời, vợ ông ấy bị bệnh ung thư nhưng phòng khám này không cho chuyển tuyến.

Khi có thông tin, chúng tôi đến tận gia đình xác minh thì vợ và con ông ấy đều bất ngờ cho biết là cả 2 không hề mắc bệnh. Hay trường hợp người dân xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông phản ánh Trạm Y tế xã không đủ thuốc phục vụ bệnh nhân.

Tuy nhiên, thực tế sự việc không phải như phản ánh, mà chỉ là thuốc Olanzapine, loại thuốc điều trị bệnh tâm thần thuộc danh mục kê đơn của Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông và phải do bác sĩ đã được Bệnh viện Tâm thần tập huấn kê đơn mới được thực hiện.

Một vấn đề khác mà người dân bức xúc cho rằng, cơ sở y tế gây phiền hà đối với các yêu cầu thủ tục chuyển tuyến. Thật sự, đây không phải là quy định của ngành Y tế mà là của bảo hiểm xã hội. Nếu chúng tôi không thực hiện đúng quy định thì sẽ bị xuất toán…

* PV: Như vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ nỗ lực như thế nào để nâng cao chất lượng phục vụ cũng như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thưa bác sĩ?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Ngành Y tế là ngành được trung ương đánh giá có chỉ số năng lực rất cao, thuộc nhóm đầu của tỉnh. Chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao. Đội ngũ cán bộ, viên chức có tay nghề ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, chỉ riêng bản thân ngành Y tế thì cũng không thể thực hiện hết những mong muốn, yêu cầu của người dân. Chẳng hạn như tình trạng trang thiết bị y tế thiếu và yếu; cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp; vấn đề thiếu bác sĩ trầm trọng…

Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng khi có phản ánh, đánh giá về ngành Y tế thì mọi người cần có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn.

Bản thân ngành Y tế đã và đang quán triệt cán bộ, viên chức thực hiện nghiêm các điều quy định về y đức, dược đức… Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc tổ chức triển khai nhắc lại Thông tư 07 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Ngành sẽ đưa kết quả tổ chức thực hiện thông tư này vào nội dung kiểm tra, đánh giá hoạt động khám, chữa bệnh của đơn vị.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.