Thứ Hai, 19/08/2019, 16:10 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG CSXH CHI NHÁNH TIỀN GIANG DƯƠNG VĂN HOÀNG:

Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả

 

Đề cập về kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là (Chỉ thị 40) trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết:

Trong 5 năm qua, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống. Hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH, gắn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn.

Hằng năm, UBND các cấp đã quan tâm cân đối chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh vay. Từ khi có Chỉ thị 40 đến nay, ngân sách tỉnh đã chuyển sang Ngân hàng CSXH 137,9 tỷ đồng, tăng 825% so với trước khi có Chỉ thị 40, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 154,6 tỷ đồng.

* Phóng viên (PV): Kết quả cụ thể đạt được từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40, thưa đồng chí?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40, Ngân hàng CSXH và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã triển khai thực hiện các chương trình tín dụng CSXH hiệu quả, đúng quy định; nguồn vốn tín dụng CSXH đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu hoạt động tín dụng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên. Tính đến ngày 30-6-2019, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng, tăng 2 chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40, tổng dư nợ đạt hơn 2.427 tỷ đồng, với 110.669 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Tăng trưởng tín dụng trong 5 năm đạt gần 814 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 8,5%. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng tại chi nhánh cũng không ngừng được nâng lên. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 0,65% (cuối năm 2014) xuống còn 0,18% (tại thời điểm ngày 30-6-2019).

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Trong 5 năm qua, có trên 200 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hơn 36 ngàn hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 4,98% cuối năm 2014 xuống còn 3,41% cuối năm 2018 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Thông qua vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 16 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; trên 27 ngàn lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; trên 50 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 100 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; hơn 1.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…

* PV: Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Một trong những thuận lợi cơ bản khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40 là cấp ủy, chính quyền địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí tín dụng CSXH trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Vì thế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cụ thể: Quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay hằng năm; hỗ trợ trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay; thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; phân công 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện và nhất là quan tâm bố trí địa điểm để Ngân hàng CSXH tổ chức mở điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, để giao dịch với nhân dân được thuận lợi…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn, như: Mức cho vay tối đa của một số chương trình tín dụng còn thấp so với tình hình hiện nay, điển hình như: Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; việc huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của các tổ chức tín dụng khác.

Ngoài ra, hiện còn một vài nơi chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, chưa quyết liệt xử lý đối với các hộ vay có điều kiện trả nợ nhưng chây ì.

* PV: Đâu là giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung được đề cập trong Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Ngân hàng CSXH tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị 40, Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tri 13 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt Văn bản 429 ngày 14-2-2019 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2019 và Thông báo 60 ngày 4-3-2019 thông báo ý kiến kết luận của UBND tỉnh tại Hội nghị triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, huyện; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến quy trình nghiệp vụ theo các quy định của Ngân hàng CSXH, của các bộ, ngành có liên quan.

Ngoài ra, Ngân hàng CSXH sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác để phát hiện các tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, các Tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nhiều hình thức phong phú,  đa dạng...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.