LLVT Tiền Giang: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội

Cập nhật: 14:34, 22/07/2013 (GMT+7)

Trong những năm qua, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, góp phần tích cực ổn định tình hình chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường sức mạnh chiến đấu của LLVT.

Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh và những đối tượng có công với cách mạng.

Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều tổ chức thăm, tặng quà và chỉ đạo các đơn vị LLVT tỉnh xuất quỹ sản xuất tự túc đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách. Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay đã tặng trên 1.000 phần quà với trị giá 700 triệu đồng.

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức họp mặt, tặng quà cán bộ là thương binh, con liệt sĩ đang công tác tại đơn vị. Trong tuyển quân đợt I-2013, các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành, đoàn thể vận động được 710 triệu đồng để tặng quà cho thanh niên các huyện trước lúc lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh tận dụng mọi khả năng, điều kiện hiện có để tăng gia sản xuất, tạo nguồn thu, kịp thời hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và các gia đình chính sách khó khăn; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, cùng sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ LLVT đã xây tặng được 8 căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội trị giá 225 triệu đồng (tính từ năm 2012 đến nay).

Ngoài ra, còn vận động cán bộ, chiến sĩ đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, quỹ “Ngày vì người nghèo” gần 130 triệu đồng để hỗ trợ đối tượng chính sách, cán bộ quân đội nghỉ hưu, quân nhân phục viên hoặc xuất ngũ và cán bộ quân đội đang tại chức có hoàn cảnh gia đình khó khăn về nhà ở hoặc ảnh hưởng thiên tai.

LLVT tỉnh còn nhận phụng dưỡng suốt đời 3 mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng tháng các đơn vị đều tổ chức thăm hỏi và trao tiền phụng dưỡng, cùng gia đình chăm sóc lúc mẹ đau ốm. Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tổ chức cho chị em hội viên về nguồn thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, tặng quà cho các mẹ. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn phối hợp với Bệnh viện 120 - Quân khu 9 tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 600 lượt dân nghèo vùng sâu vùng xa với trị giá tiền thuốc 30 triệu đồng.

Các đơn vị, địa phương còn đưa gần 5 ngàn lượt dân quân tự vệ phối hợp cùng các đoàn thể làm công tác vận động quần chúng, đóng góp trên 10 ngàn ngày công lao động giúp các địa phương sửa chữa, nâng cấp 12km đường giao thông nông thôn, làm cỏ phát quang 253km, vớt lục bình khơi thông dòng chảy các tuyến kinh nội đồng dài 55km, làm cỏ 149 nhà bia ghi danh liệt sĩ…

Cùng với việc chăm lo các gia đình chính sách, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức tiếp nhận, xét duyệt và đề nghị về trên  giải quyết chính sách cho các đối tượng được hưởng theo Nghị định 15 và Nghị định 116 của Chính phủ; đối tượng thương binh, bệnh binh; quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang.

Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, thực hiện các Quyết định 290, 142, 188 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tập trung cao cho công tác lập hồ sơ, xét duyệt, đề nghị Quân khu 9 trên 23.000 trường hợp. Riêng thực hiện Quyết định 62 đã xét duyệt và đề nghị về trên gần 10.000 trường hợp, trong đó đã có quyết định xét cấp 7.000 trường hợp với số tiền trên 40 tỷ đồng.

Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Hoen, Trưởng ban Chính sách - Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết:

Cơ quan Chính trị chủ động làm tham mưu cho Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo cho cơ quan quân sự các huyện, thành, thị rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh.

Cái khó hiện nay là việc giải quyết chính sách cho đối tượng thương binh, liệt sĩ theo Nghị định 54, thương binh phải có giấy chứng nhận bị thương, nhưng trong kháng chiến các đơn vị tập trung lo cứu chữa thương binh, bệnh binh nên việc làm giấy chứng nhận khi có khi không, đây là bất cập cần nghiên cứu giải quyết sao cho thỏa đáng.

Thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975, qua khảo sát toàn tỉnh có gần 20.000 trường hợp; qua triển khai thực hiện hơn 1 năm đã giải quyết gần 10.000 hồ sơ, so với các tỉnh trong Quân khu 9 thì Tiền Giang đạt kết quả cao nhất.

Song, bên cạnh việc làm được, vẫn gặp cái khó là cán bộ nghiệp vụ của cơ quan ít, nhiều lúc cao điểm phải xét duyệt và đề nghị về trên gần 2.000 hồ sơ, nên phải tập trung toàn lực làm việc cả ngày lẫn đêm mới kịp thời gian báo cáo về Quân khu.

Mặt khác, chuyển sang giai đoạn 2 thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ giải quyết cho số đối tượng không có hồ sơ gốc, nên các địa phương không xác định được thời gian nhập ngũ, xuất ngũ của đối tượng, do đó sẽ rất khó khăn trong quá trình xét duyệt.

Những công việc mà cán bộ, chiến sĩ LLVT Tiền Giang làm được tuy chưa đáp ứng hết nhu cầu của các đối tượng chính sách, song đó là sự cố gắng lớn. Đáng ghi nhận là tấm lòng của những tập thể, cá nhân đã phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ LLVT tỉnh thực hiện ngày càng hiệu quả hơn chính sách hậu phương quân đội.

LÊ TIỄN

.
.
.