Chủ Nhật, 11/06/2017, 21:10 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Vòng xoáy bất ổn mới

Tuần qua, khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh; IS gia tăng các hoạt động khủng bố; người Kurd tại Iraq đòi ly khai hay việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa… đang đẩy một số nước và khu vực tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng, bất ổn mới.

1. Khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh

Ngày 5-6 một loạt nước Arab và vùng Vịnh gồm: Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Yemen, Libya, Mauritania và Maldives tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do quốc gia này hỗ trợ các tổ chức cực đoan, gây bất ổn trong khu vực. Bên cạnh đó, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL) cũng như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng đang xem xét tư cách thành viên của Qatar.

Kèm theo tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, các quốc gia còn yêu cầu công dân Qatar trở về nước trong vòng 2 tuần, đồng thời cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước này. Giao thông đường biển và đường hàng không giữa Qatar và các nước vùng Vịnh cũng bị tạm dừng. Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuyên bố ngừng toàn bộ các dịch vụ bưu chính viễn thông tới Qatar.

Do lo ngại khả năng khủng hoảng lâu dài, người dân ở Doha đổ xô đi mua lương thực tích trữ. Ảnh: THX/TTXVN
Do lo ngại khả năng khủng hoảng lâu dài, người dân ở Doha đổ xô đi mua lương thực tích trữ. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi ngày 9-6, bốn quốc gia Arab gồm: Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 người, trong đó có thủ lĩnh tinh thần của phong trào Anh em Hồi giáo (MB), và 12 thực thể khác, trong đó có các tổ chức từ thiện của Qatar, vào danh sách khủng bố. Động thái này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Qatar tuyên bố sẽ "không đầu hàng" và phản đối bất kỳ sự can dự nào vào chính sách ngoại giao của nước này.

Mối bất hòa giữa Doha với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), vốn đã "âm ỉ" trong thời gian dài. Các nước Arab và vùng Vịnh cáo buộc Qatar hỗ trợ các nhóm đối địch ở nhiều nước cũng như các tổ chức khủng bố, cực đoan tại Libya, Ai Cập, Syria, Yemen và Tunisia, trải dài tới tận Trung Á, Bắc Phi và vùng Sừng châu Phi, “gây bất ổn và mở rộng ảnh hưởng” trong khu vực.

Ngoài ra, nguồn gốc sâu xa của mối bất hòa này còn do quan điểm của chính quyền Qatar ủng hộ Iran, ngược hẳn với quan điểm của Saudi Arabia và nhiều nước khu vực.

Với tính chất phức tạp hiện nay, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại Trung Đông khó có thể giải quyết trong "một sớm, một chiều". Để thu hẹp bất đồng, các quốc gia cần phải kiềm chế và kiên nhẫn tìm hướng giải quyết thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin chính trị trước khi tiến tới nhận thức chung trong các vấn đề khu vực.

2. Iraq "đau đầu" với vấn đề ly khai

Trong khi cuộc chiến chống IS đang đi vào giai đoạn quyết định thì Iraq lại phải “đau đầu” đối phó với việc người Kurd đòi ly khai.

Ngày 8-6, Cộng đồng người Kurd tại Iraq thông báo, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân đòi quyền độc lập vào ngày 25-9 tới. Nếu cuộc bỏ phiếu thành công, thì một nhà nước dành riêng cho người Kurd tại đây sẽ có cơ hội được thành lập.

Binh sĩ Iraq chiến đấu chống IS tại Mosul. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Iraq chiến đấu chống IS tại Mosul. Ảnh: Reuters

Hiện Iraq có khoảng 5 triệu người Kurd sinh sống. Cộng đồng này đang được hưởng quy chế tự trị riêng theo một thỏa thuận đạt được với chính phủ Iraq từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Baghdad và chính quyền khu vực người Kurd đã căng thẳng trong nhiều năm, khi người Kurd muốn hợp nhất một số khu vực vào vùng bán tự trị của người Kurd.   

3. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng gia tăng các hoạt động khủng bố tại nhiều nước

Tại Anh, sau khi tiến hành vụ đánh bom liều chết hôm 22-5, ở thành phố Manchester khiến 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương, ngày 3-6, IS lại tiếp tục gây ra loạt vụ tấn công tại mới tại thủ đô Luân Đôn khiến 8 người thiệt mạng và 58 người khác bị thương.

Các nhân viên an ninh Anh khẩn trương đến hiện trường vụ tấn công gần cầu London. Ảnh: Reuters
Các nhân viên an ninh Anh khẩn trương đến hiện trường vụ tấn công gần cầu London. Ảnh: Reuters

Những kẻ khủng bố đã lái một chiếc xe hơi lao vào người qua đường ở London Bridge. Vài phút sau, ở khu vực Borough Market, những kẻ khủng bố cầm dao tấn công nhiều du khách. Ba kẻ khủng bố đã bị bắn chết ngay sau đó. Đây là vụ tấn công thứ 3 trong 3 tháng qua tại London.

Tại Iran, các tay súng đã xông vào tòa nhà Quốc hội, cố thủ trên các tầng cao trong tòa nhà và giữ một số người làm con. Sau đó, một số đối tượng có vũ trang đã đột nhập và phóng hỏa lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini và bắn bị thương một số người. Một tên trong số này đã kích hoạt kíp nổ tự sát. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 39 người bị thương trong hai vụ tấn công trên.

4. Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa

Bầu không khí chính trị trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên “ngột ngạt” hơn khi ngày 9-6, Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử thành công một loạt tên lửa hành trình đất đối hạm mới. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay.

Một tên lửa của Triều Tiên trong cuộc diễu hành tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Một tên lửa của Triều Tiên trong cuộc diễu hành tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Quân đội Hàn Quốc cho biết, những tên lửa này đã bay xa khoảng 200 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Hàn Quốc tuyên bố sẽ không lùi bước trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo những vụ phóng tên lửa liên tiếp sẽ chỉ khiến Triều Tiên bị cô lập và chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Liên hợp quốc, Nga, Mỹ đều lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên. Nhật Bản đã thông báo áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 12 cá nhân và 4 thực thể liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

5. Nước Anh đối mặt bất ổn chính trị sau bầu cử

Với kết quả không đảng chính trị nào giành đủ 326 ghế quá bán tại Hạ Viện gồm 650 ghế, "xứ sở sương mù" có nguy cơ đối mặt với bất ổn, xáo trộn chính trị và một tương lai ảm đạm trong quá trình phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Kết quả cuộc bầu cử trái với kỳ vọng của Thủ tướng Theresa May. Ảnh: CNN
Kết quả cuộc bầu cử trái với kỳ vọng của Thủ tướng Theresa May. Ảnh: CNN

Theo kết quả kiểm phiếu mới nhất, trong bối cảnh chỉ còn 4 ghế chưa được công bố, đảng Bảo thủ chỉ giành được 315 ghế, đồng nghĩa đảng này chắc chắn không thể giành được đa số ghế tại Quốc hội Anh để tự thành lập chính phủ.

Kết quả này nằm ngoài mong muốn mà Thủ tướng Theresa May về ý định tổ chức bầu cử sớm để củng cố quyền lực và thiết lập một chính phủ "đoàn kết và đồng lòng" trong các cuộc đàm phán Brexit. Không đảng nào giành thể đa số tại Hạ viện cho thấy cơ quan lập pháp này tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể "toàn tâm toàn ý" tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU.   

6. Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 đề cao vai trò thượng tôn pháp luật

Ngày 4-6, sau 3 ngày nhóm họp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 đã khép lại với nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra mà bao trùm đó là việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực phải dựa trên việc tuân thủ các cam kết, luật lệ quốc tế.

Quang cảnh Đối thoại Shangri-La 16 ở Singapore ngày 3-6. Ảnh: EPA/TTXVN
Quang cảnh Đối thoại Shangri-La 16 ở Singapore ngày 3-6. Ảnh: EPA/TTXVN

Điểm nổi bật lần này tại diễn đàn là các vấn đề được nêu lên không né tránh, không lẫn lộn giữa các yếu tố, trong đó thách thức an ninh được đề cập nổi lên bao gồm Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay chống khủng bố và an ninh mạng.

Tại diễn đàn, các nước đã tập trung bàn thảo và đưa ra những giải pháp mang tính đồng bộ hơn, đề cao hơn việc tôn trọng luật pháp quốc tế và trên hết là nhất trí chung tay, hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Đối thoại cũng khẳng định vai trò của các nước lớn đối với tình hình an ninh khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia lớn cần phải hành xử có trách nhiệm hơn, có hành động hợp tác và tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác và không được có hành động đơn phương.   

7. Tai nạn thảm khốc xảy ra tại nhiều nước

Ngày 7-6, một chiếc máy bay quân sự của Myanmar chở 116 người, trong đó có 105 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn đã mất tích khi đang trên hành trình từ thành phố Myeik tới Yangon.

Ngày 8-6, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác chiếc máy bay và gần 30 thi thể nạn nhân. Hộp đen của chiếc máy bay xấu số vẫn chưa được tìm thấy. Theo nguồn tin quân sự, thời tiết xấu có thể là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.   

Máy bay Y-8F là dòng máy bay phổ biến ở Myanmar. Ảnh: Reuters
Máy bay Y-8F là dòng máy bay phổ biến ở Myanmar. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 7-6, một vụ tai nạn xe khách thảm khốc đã xảy ra tại Zimbabwe khiến 43 người thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu cho thấy tài xế đã mất kiểm soát khi xe vào một khúc cua, gây tai nạn thương tâm.

Còn tại Trung Quốc, một xe chở khí hóa lỏng đã phát nổ, gây hỏa hoạn lớn tại Khu Phát triển kinh tế Lâm Nghi Lâm Cảng thuộc tỉnh Sơn Đông khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và có 9 người bị thương.

Ngày 7-6, một trận bão kinh hoàng đã đổ bộ vào thành phố du lịch Cape Town, Nam Phi, làm ít nhất 8 người thiệt mạng, hàng nghìn người phải di dời. Trong khi đó tại Nhật Bản, 4 người thiệt mạng và 1 người phải nhập viện sau vụ hỏa hoạn ở khu dân cư tại thành phố Niigata, miền Trung nước này.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.