Thứ Bảy, 24/11/2018, 10:36 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Chuyển động mới trong hợp tác khu vực

Trung Quốc và Philippines nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện, EU hướng tới tự chủ về an ninh-quốc phòng, APEC nhất trí tiếp tục duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực... là những thông tin nổi bật trong dòng chảy thời sự quốc tế tuần qua, đánh dấu bước chuyển mới trong hợp tác tại nhiều quốc gia và khu vực.

1. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines, hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện

Ngày 20-11, trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Philippines trong vòng 13 năm qua.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Manila ngày 20-11-2018. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở thăm Manila ngày 20-11-2018. Ảnh: THX/TTXVN

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên đã thảo luận về quan hệ thương mại và đầu tư đang cũng như việc Trung Quốc tham gia vào dự án quy hoạch cơ sở hạ tầng mang tên "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng" ("Build, Build, Build") trị giá lên tới 180 tỷ USD mà ông Tổng thống Philippines Duterte đang thúc đẩy.

Hai bên cũng đã ký kết 29 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục, văn hóa và phát triển khu công nghiệp nhằm cùng thúc đẩy cơ sở hạ tầng cũng như các hợp tác xã nông nghiệp. Hai bên cũng nhất trí sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề còn bất đồng.

Thời gian qua, thương mại giữa Trung Quốc và Philippines tăng trưởng nhanh chóng. Theo Ngân hàng Trung ương Philippines, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu Trung Quốc sang Philippines tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đã tăng lên 181 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2018, so với mức 28,8 triệu USD cho cả năm 2017.

Trước đó, quan hệ hai nước đã rơi xuống mức thấp nhất sau khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi năm 2013 liên quan đến yêu sách phi lý của Bắc Kinh về "đường 9 đoạn" tại Biển Đông.

Ngày 7-12-2016, Tòa Trọng tài đã ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

2. EU hướng tới tự chủ về an ninh-quốc phòng, giảm phụ thuộc vào Mỹ

Trong cuộc họp tại thủ đô Brussels của Bỉ hôm 19-11, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tiến thêm một bước quan trọng trong kế hoạch thành lập “Quân đội châu Âu” thực chất và đúng nghĩa, hướng tới mục tiêu dần tự chủ hơn về an ninh, quốc phòng.

EU sắp có một lực lượng quân đội riêng. Ảnh: Reuters
EU sắp có một lực lượng quân đội riêng. Ảnh: Reuters

17 dự án mới theo Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) đã được thông qua với sự tham gia của 25 trong số 28 quốc gia thành viên.

Đặc biệt, EU cũng đạt nhất trí về đề xuất Quỹ Quốc phòng châu Âu (gói kinh phí khoảng 13 tỷ euro) giai đoạn 2021-2027. Quỹ này sẽ dùng vào việc khuyến khích và triển khai công tác nghiên cứu trên quy mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, dự án thành lập một trường đào tạo tình báo chung của khối cũng được thông qua tại cuộc họp.

Giới chuyên gia nhận định với việc thông qua được một loạt các đề xuất về quốc phòng này, EU sẽ tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối. Đây là những bước đi quan trọng của EU, đặt nền móng cho việc thành lập “Quân đội châu Âu” trong tương lai.

3. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 khẳng định đẩy nhanh Mục tiêu Bogor

Ngày 18-11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình dương (APEC) 2018 diễn ra tại Papua New Guinea kết thúc với việc 21 nền kinh tế thành viên khẳng định đẩy nhanh Mục tiêu Bogor, đưa các nền kinh tế APEC trở thành khu vực mậu dịch và đầu tư hàng đầu thế giới vào năm 2020.

APEC sẽ tiếp tục duy trì đà hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm vai trò đầu tàu của APEC trong thúc đẩy thương mại và đầu tư mở và tự do, dựa trên luật lệ.

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26. Ảnh: vov.vn
Quang cảnh Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26. Ảnh: vov.vn

Cam kết thực hiện Mục tiêu Bogor đã và đang được các nền kinh tế thành viên hiện thực hóa bằng việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, đặt lợi ích của người dân vào trung tâm của mọi chính sách, gắn với thực hiện các mục phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đi kèm với cam kết thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị trong việc thực hiện Mục tiêu Bogor, tại hội nghị, các bên cũng nhất trí tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số để mang đến những cơ hội hợp tác.

Việc APEC thông qua chương trình hành động về kinh tế số cũng như đẩy mạnh hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách số, khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào nền kinh tế số, được đánh giá là một thành công của hội nghị, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn, thách thức mới chưa.

4. Yemen đứng trước cơ hội đám phán hòa bình

Tình trạng hỗn loạn và căng thẳng tại Yemen đang đứng trước cơ hội hạ nhiệt khi ngày 23-11, phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen Martin Griffiths cho biết, nhóm vũ trang Hồi giáo Houthi đã nhất trí tiến hành đàm phán với LHQ nhằm bảo đảm hòa bình tại cảng chiến lược Hodeida của Yemen.

Ông Griffiths cho biết đã thảo luận với giới lãnh đạo nhóm Houthi về cách thức LHQ có thể đóng góp cho hòa bình tại Hodeida. Ông cũng kêu gọi các bên tham chiến ở nước này "duy trì hòa bình" tại đây.

Chiến binh Houthi. Ảnh: Reuters.
Chiến binh Houthi. Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 21-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis cũng thông báo các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Yemen được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận và phiến quân Houthi được ấn định tiến hành vào đầu tháng 12 tới.

Hodeida là thành phố cảng quan trọng trung chuyển 3/4 hàng hóa nhập khẩu và là cửa ngõ cho hàng cứu trợ nhân đạo ở Yemen. Từ năm 2014, lực lượng Houthi đã chiếm giữ thành phố này cùng thủ đô Sanaa và một loạt thành phố cảng khác. Hiện chính quyền của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận, với sự hỗ trợ của liên quân do Saudi Arabia dẫn dầu, đang đẩy mạnh chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố cảng này.

Đến nay xung đột tại Yemen đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 14 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói.

5. Quan hệ Nhật-Hàn lại “dậy sóng” vì vấn đề “phụ nữ mua vui”

Vấn đề phụ nữ mua vui một lần nữa có thể khiến quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc dậy sóng khi ngày 21-11, Seoul giải thể quỹ hỗ trợ cho các nữ nạn nhân chiến tranh này.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết quyết định này được đưa ra sau khi tiếp nhận rất nhiều ý kiến không đồng thuận xung quanh việc thành lập và sử dụng nguồn Quỹ, cũng như một số ý kiến cho rằng nguyên tắc hoạt động của Quỹ không dựa trên ý kiến và nguyện vọng của những nạn nhân là “phụ nữ mua vui".

Người phụ nữ đặt quàng khăn cho một bức tượng
Người phụ nữ đặt quàng khăn cho một bức tượng "phụ nữ mua vui" được đặt ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Động thái này của Seul khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục xấu đi. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi Hàn Quốc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Ông Abe cho biết, nếu các cam kết quốc tế bị phá vỡ, việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trở thành bất khả thi.

Vấn đề "phụ nữ mua vui" là nguồn cơn gây căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài. Theo thỏa thuận năm 2015, Nhật Bản xin lỗi và lập quỹ trị giá 1 tỷ yen để hỗ trợ cho các nạn nhân còn sống, đồng nghĩa giải quyết dứt điểm và vĩnh viễn vấn đề nói trên.

Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được thời kỳ cựu Tổng thống Park Geun-Hye còn tại nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng đây là một thỏa thuận sai lầm và không phản ánh đúng những ý kiến của những "phụ nữ mua vui" còn sống.

6. Tiếp tục đụng độ tại Dải Gaza

Đã có ít nhất 25 người bị thương do trúng đạn của binh sĩ Israel trong các cuộc biểu tình diễn ra ngày 19-11 ở phía Bắc Dải Gaza.

Người dân Israel đứng cạnh ngôi nhà bị pháo kích từ dải Gaza tại thành phố Ashkelon ở Israel. Nguồn: Reuters
Người dân Israel đứng cạnh ngôi nhà bị pháo kích từ dải Gaza tại thành phố Ashkelon ở Israel. Nguồn: Reuters

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết 750 người Palestine đã tham gia các cuộc đụng độ gần biên giới và ném đá về phía binh sĩ Israel. Những người biểu tình đòi quyền được trở về quê nhà sau khi hơn 700.000 người Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa hoặc bị trục xuất khi Israel tuyên bố thành lập Nhà nước Do Thái năm 1948.

Phía Israel cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza đang đẩy người dân vào tình thế nguy hiểm khi lợi dụng các cuộc biểu tình như "lá chắn" để tiến hành các cuộc tấn công. Quân đội Israel khẳng định chỉ sử dụng vũ khí nóng trong trường hợp thật sự cần thiết.

Trong một diễn biến mới nhất, Israel cho biết cảnh sát nước này đã dỡ bỏ “18 cơ sở kinh doanh và 3 trạm xăng trái phép” tại trại tị nạn Shuafat, nơi ước tính có 24.000 người Palestine sinh sống.

Palestine đã lên tiếng phản đối Israel, cho “đây là một tội ác nguy hiểm, có hệ thống và là một phần trong hành động thanh lọc sắc tộc của Israel tại Jerusalem”. Tân Hoa Xã dẫn thống kê của giới chức y tế tại đây cho biết từ cuối tháng 3 đến nay, đã có ít nhất 223 người Palestine thiệt mạng và hơn 24.000 người bị thương do trúng đạn trong các cuộc biểu tình và không kích của Israel.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.