Thứ Bảy, 29/08/2020, 21:43 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung

Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, các nước thành viên hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) khẳng định tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng trên ba trụ cột: Chính trị và an ninh; kinh tế và phát triển bền vững; văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Đây được coi là điểm sáng trong dòng chảy thời sự quốc tế tuần qua.

1. Hội nghị Cấp cao Mekong - Lan Thương lần thứ ba: Nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác

Ngày 24-8, với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng chung”, Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ ba đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thực hiện nghi thức chuyển giao quyền tổ chức Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư cho Myanmar. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thực hiện nghi thức chuyển giao quyền tổ chức Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư cho Myanmar. Ảnh: TTXVN

TạI hội nghị, lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc ghi nhận những bước tiến quan trọng đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần hai đến nay, nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: Tiến triển trong hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong; hơn 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai; Trung tâm Nghiên cứu Mekong và các trung tâm hợp tác chuyên ngành được thành lập, đi vào hoạt động ổn định.

Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng và nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác, cụ thể:

Về an ninh - chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các đảng chính trị, quốc hội, chính phủ và địa phương, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác về y tế cộng đồng ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về thành lập Quỹ đặc biệt MLC về y tế cộng đồng để hỗ trợ các nước MLC ứng phó với đại dịch Covid-19 và trong lĩnh vực y tế nói chung sau này.

Về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và mềm; tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, hợp tác công - tư; đẩy mạnh hợp tác phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, hợp tác năng lực sản xuất, phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

Về văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân, triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; xúc tiến hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa.

Bên cạnh đó, hội nghị nhất trí, trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các nước ven sông cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ thông tin số liệu thủy văn của lưu vực sông, thực hiện các nghiên cứu chung, đối thoại chính sách, quản lý lũ lụt và hạn hán, phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong.

2. Kinh tế châu Âu tiếp tục ảm đạm do đại dịch Covid-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp (tính đến sáng 29-8, trên toàn thế giới ghi nhận hơn 24,8 triệu ca nhiễm, trong đó 802.000 người đã tử vong), đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu. Thực tế này được phản ánh qua những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế âm tại nhiều nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tại Anh, Ngân hàng Trung ương nước này dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 7,5%, trong khi Văn phòng Trách nhiệm ngân sách, cơ quan giám sát tài khóa độc lập, lại đưa ra dự báo bi quan hơn ở mức 12% trước khi giảm xuống.

Trong khi đó, sự hồi phục các hoạt động kinh tế tại Bỉ diễn ra với tốc độ chậm, doanh thu sụt giảm ở hầu hết các ngành, thấp hơn 13% so với mức bình thường.

Nền kinh tế Pháp trong quý II-2020 cũng đã suy giảm 13,8%. Chính phủ Pháp dự báo thâm hụt ngân sách nước này trong cả năm 2020 ở mức 11,4% GDP, nghiêm trọng nhất trong giai đoạn hậu chiến.

Ngày 24-8, Chính phủ Séc gia hạn chương trình hỗ trợ việc làm trong thời kỳ chống dịch Covid-19 đến cuối tháng 10, thay vì chỉ kéo dài đến hết tháng 8 như kế hoạch ban đầu. Theo Bộ Lao động và các vấn đề xã hội của Séc, nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự trợ giúp của chính phủ để chi trả lương cho nhân viên.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24-8 đã đề xuất giải pháp cấp 81,4 tỷ euro (96 tỷ USD) cho 15 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ứng phó với tác động của dịch Covid-19 trong lĩnh vực việc làm. Trong khi chờ đợi gói cứu trợ này, hiện hầu hết các nước châu Âu đang hỗ trợ việc làm thông qua các chương trình giúp trả lương nhân viên nghỉ việc và các chương trình làm việc bán thời gian.

Pháp đã gia hạn chương trình này thành hai năm, và Đức nhiều khả năng cũng hành động tương tự. Mỹ chấp nhận tỷ lệ người lao động mất việc làm tăng, nhưng bù đắp lại là các khoản phúc lợi khá hào phóng. 

3. Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông - châu Phi, “một mũi tên nhắm nhiều mục đích”

Trong bối cảnh Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du đến một loạt nước Trung Đông, mà theo các nhà phân tích là “một mũi tên nhắm nhiều mục đích”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Nguồn: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Nguồn: AP

Trong chặng dừng chân đầu tiên là Israel vào ngày 24-8, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức đứng đầu các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao của Tel Aviv. Vấn đề hạt nhân của Iran, cải thiện quan hệ giữa Israel với các nước Arab và hạn chế sự hợp tác kinh tế giữa Israel với Trung Quốc là trọng tâm thảo luận trong các cuộc gặp trên.

Trong chặng dừng chân tại Sudan, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Thủ tướng Abdalla Hamdok và Chủ tịch Hội đồng chủ quyền, Tướng Abdel Fattah al-Burhan để “bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Sudan-Israel” và thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ đối với chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

Giới phân tích cho rằng Sudan đang rất mong muốn được Mỹ dỡ bỏ khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ là bước đi hướng tới mục tiêu này. Tuy nhiên, để đưa Sudan khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố còn phụ thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận bồi thường cho các nạn nhân trong vụ đánh bom các Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998.

Nhằm tận dụng lực đẩy từ thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE, ông Pompeo còn đến Bahrain, UAE và Oman. Với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, Mỹ luôn muốn các nước trong khu vực “theo gương” Abu Dhabi để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trục đồng minh của Washington tại khu vực.

Hơn nữa, việc các nước vùng Vịnh bắt tay với Israel cũng khiến cho Washington và Tel Aviv có lợi thế hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, vốn đang gia tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, Chính phủ Sudan khẳng định họ không có “nhiệm vụ” thực hiện bước đi như vậy, trong khi tại Bahrain, quốc gia vùng Vịnh này nhắc lại quan điểm của Saudi Arabia rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ không thành hiện thực nếu không có một Nhà nước Palestine độc lập.

4. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tăng cường hiện diện quân sự ở Địa Trung Hải, NATO tìm cách “hạ nhiệt” căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp dường như chưa sẵn sàng "tháo ngòi" căng thẳng liên quan hoạt động khảo sát dầu khí ở vùng biển tranh chấp tại Địa Trung Hải khi cả hai nước đều tiến hành tập trận riêng rẽ tại Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ tập trận với hải quân Mỹ, còn Hy Lạp thì tập trận chung với Pháp, Italy và CH Cyprus.

Ảnh minh họa. Nguồn: Zerohedge
Ảnh minh họa. Nguồn: Zerohedge

Mới đây nhất, ngày 27-8, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo kéo dài hoạt động thăm dò khí đốt ở Đông Địa Trung Hải thêm 5 ngày tới ngày 1-9, đồng thời tổ chức tập trận bắn đại bác tại rìa vùng biển ở Đông Bắc Địa Trung Hải vào ngày 1 và 2-9 tới.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ không nhượng bộ Hy Lạp và Athens không có quyền triển khai hệ thống định vị hàng hải và dự báo thời tiết biển, còn được gọi là Navtex, tại các khu vực mà Ankara tuyên bố chủ quyền.

Về phía Hy Lạp, người phát ngôn Chính phủ nước này Stelios Petsas cho biết, Athen đang phản ứng một cách bình tĩnh và sẵn sàng các phương án trên cả phương diện ngoại giao và các hoạt động cần thiết khác để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.

EU đã lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời yêu cầu Ankara chấm dứt ngay lập tức hành động này. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ quan ngại về tình hình trên và đang tìm cách tránh nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai bên. Trong vài tuần gần đây, Đức đã tìm cách làm trung gian cho các mâu thuẫn giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, song vẫn chưa mang lại kết quả. 

5. Khủng hoảng chính trị tại Belarus, quân đội đặt trong tình trạng sẵn sàng cao

Ngày 28-8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chỉ thị một nửa quân đội của nước này đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đối phó với điều mà ông gọi là các mối đe dọa từ phương Tây. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh những bất ổn tại nước này liên tục nổ ra kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8 vừa qua.

Người biểu tình tại thủ đô Minsk đòi Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Ảnh: AP
Người biểu tình tại thủ đô Minsk đòi Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Ảnh: AP

Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương Belarus công bố, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Bà Tikhanovkskaya không công nhận kết quả này.

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại các thành phố và xảy ra xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.

Tổng thống Lukashenko đã đề cập tới kịch bản "cách mạng màu" có sự can thiệp của yếu tố bên ngoài đang được sử dụng để chống lại đất nước Belarus, đồng thời cũng lên án việc phương Tây ủng hộ phe đối lập Belarus trên phương diện quân sự, với bằng chứng là việc điều động quân đội các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến biên giới Belarus. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chính quyền Belarus và phe đối lập cùng nhau tìm một giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện nay. Ông cho biết Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát dự phòng để hỗ trợ Tổng thống Belarus Lukashenko, nhưng sẽ không sử dụng lực lượng này, trừ khi tình hình bạo loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.