Thứ Tư, 06/04/2022, 14:21 (GMT+7)
.

Bàn cờ địa chính trị thế giới và cuộc chiến Nga - Ukraine

Cuộc chiến Nga - Ukraine chưa biết đến bao giờ mới kết thúc nhưng ngay từ bây giờ, chiến sự ở Ukraine đã làm thay đổi hướng đi của các quân cờ trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Quân nhân Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, ngày 25-2-2022. Ảnh: AFP
Quân nhân Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, ngày 25-2-2022. Ảnh: AFP

Từ châu Á đến Trung Đông, từ châu Phi đến châu Mỹ Latinh, tất nhiên không thể không nhắc đến châu Âu và Mỹ, tất cả đều đặt ra cùng một câu hỏi, như thể chiến tranh đang xảy ra, nếu không phải là toàn cầu, thì ít nhất cũng đang bị toàn cầu hóa. Cuộc chiến này sẽ khiến các quốc gia thay đổi như thế nào? Làm cách nào để có thể tự bảo vệ mình và/hoặc hưởng lợi từ nó?

Hiện có nhiều binh sỹ Nga ở Ukraine hơn vì họ đang ngày càng kiểm soát được một phần lãnh thổ nước này. Nhưng trên thế giới, ảnh hưởng của nước Nga sẽ yếu hơn và sẽ ngày càng ít người có hứng thú với tính cách gia trưởng theo kiểu của Tổng thống Putin. Ông chủ Điện Kremlin, ngày hôm qua còn là hình mẫu cho nhiều người theo chủ nghĩa dân túy, mà đa số trong đó hiện đang là nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine.

Ở chiều ngược lại, cũng nhờ ông Putin mà Ukraine đã tìm thấy được bản sắc dân tộc và các nước ở châu Âu đã nỗ lực nhiều hơn để tự bảo vệ mình. Sợ hãi và phẫn nộ, Liên minh châu Âu (EU) tự tìm thấy những nguồn lực mà họ chưa hề biết đến và đang cố gắng chứng minh rằng “chiến tranh kinh tế” có thể gây tổn hại lớn cho một cường quốc quân sự nhưng nghèo như Nga.

Đối mặt với Trung Quốc, các nước phương Tây không thể sử dụng vũ khí trừng phạt mà không tự làm mình bị thương nặng. Nhưng với Nga, họ có thể chịu được những thiệt hại do các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt lên nước này. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt sẽ giúp các nước đẩy nhanh hơn tiến trình giảm khí thải carbone, khuynh hướng mà thế giới đang theo đuổi.

Tương tự như vậy, Putin đã khiến cho tất cả các nước không muốn tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào như Thụy Điển, Phần Lan phải xem xét lại chính sách của mình.

Ngoài ra, ông cũng trao cơ hội cho một trong những thành viên có quan điểm thân Nga nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ đứng hẳn sang phía Liên minh và tham gia vào cuộc chiến cùng với người Ukraine bằng cách cung cấp cho họ các máy bay không người lái, được cho là đặc biệt hiệu quả.

Có thể Tổng thống Erdogan cho rằng việc xuất hiện quá nhiều bên cạnh một quốc gia ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế là điều không tốt. Hơn nữa, vì những lý do địa lý và lịch sử, Ankara không muốn Moskva giành lại quyền kiểm soát Odessa và xa hơn là Biển Đen. Ông Putin muốn mở rộng biên giới của Nga, nhưng hóa ra lại vô tình thúc đẩy các cuộc thảo luận về quá trình mở rộng EU.

Không chỉ châu Âu, cuộc chiến Ukraine cũng tác động đến bàn cờ châu Á, “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga thực hiện ở Ukraine có vẻ như mang lại thời gian “nghỉ ngơi” cho Đài Loan (Trung Quốc). Nhìn những chi phí trực tiếp và gián tiếp mà Nga phải trả cho cuộc chiến ở Ukraine, Trung Quốc cũng có thể đi đến kết luận rằng cần phải chờ đợi trước khi hành động.

Ngay cả ở Trung Đông và châu Phi, các quốc gia như Syria và Mali cũng sẽ đặt câu hỏi liệu việc chọn Nga làm nhà tài trợ có là sự lựa chọn đúng đắn?

Để giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine hay đối mặt với sự kháng cự của người Ukraine sau khi họ đầu hàng, Nga sẽ phải tập trung tất cả nguồn lực vào đó. Và sự sa lầy của Tổng thống Putin ở Đông Âu có thể sẽ tạo ra chỗ trống để Mỹ một lần nữa đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông.

Saudi Arabia của Mohammed Bin Salman, giống như Venezuela của Maduro, đột nhiên trở nên quan trọng hơn trong mắt Washington nhờ nguồn dầu khí dồi dào của họ.

Chỉ còn Ấn Độ của Modi, hiện tại, giống như Trung Quốc của Tập Cận Bình, nước này kiềm chế mọi chỉ trích đối với Moskva. Nhưng liệu thái độ này có thể duy trì được lâu nếu cuộc xung đột tiếp tục diễn ra và gây ra những hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế thế giới?

K.T

.
.
.