Thứ Ba, 11/12/2012, 10:39 (GMT+7)
.

407 và những điều cần suy nghĩ

407 là số lượng văn bản pháp quy liên quan đến cơ chế, chính sách đề cập đến các sản phẩm chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thống kê và đưa ra tại hội thảo diễn ra vào ngày 7-12 trong khuôn khổ MDEC-Tiền Giang 2012.

Theo đó, có đến 205 cơ chế, chính sách liên quan đến lúa, gạo; 162 cơ chế, chính sách liên quan đến thủy sản và 40 liên quan đến cây ăn trái.

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh cho rằng, thống kê của ông có thể chưa đầy đủ và số văn bản pháp quy có phần nghiêng về nhóm lúa gạo, thủy sản hơn là cây ăn trái, nhưng điều đó là không quan trọng. Điều chính yếu cần phải suy nghĩ ở đây chính là thực trạng của các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL hiện nay.

Nếu xét về số lượng văn bản pháp quy, chúng ta không thiếu các cơ chế, chính sách cho các sản phẩm được xem là chủ lực của ĐBSCL nhưng tại sao các mặt hàng này nhiều năm qua vẫn cứ loay hoay, bị tắc ở nhiều khâu. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các sản phẩm chủ lực đều được các chuyên gia nhận định còn nhiều điều phải bàn cải.

Dù có rất nhiều cơ chế, chính sách nhưng các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL vẩn cứ loay hoay, bị tắc ở nhiều khâu. Ảnh: Vân Anh
Dù đã có nhiều cơ chế, chính sách nhưng các mặt hàng nông sản chủ lực của ĐBSCL vẫn loay hoay, tắc ở nhiều khâu. Ảnh: Vân Anh

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã chỉ ra một số điểm còn “ưu tư” trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL.

Chẳng hạn như, năm 2002 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/QĐ-TTG về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” nhằm đạt được 2 mục tiêu là: Nông dân có thị trường tiêu thụ ổn định, sản xuất hiệu quả, có lãi và doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu phát triển sản xuất.

Đây được xem là bước đột phá, tháo gỡ nút thắt về đầu ra cho nông sản vốn đã tồn tại trong thời gian dài. Nhưng 10 năm kể từ khi Quyết định 80 có hiệu lực lại chưa có đến 10% giá trị nông sản ở các tỉnh ĐBSCL được tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 57/2010/QĐ-TTG hỗ trợ triển khai xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Thế nhưng các doanh nghiệp tham gia chủ trương xây kho tạm trữ vừa qua vẫn chưa được hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư do nhiều điều kiện, thủ tục khó đảm bảo.

Tương tự, chủ trương hỗ trợ phát triển hệ thống trạm bơm điện để chủ động tưới tiêu trong vùng nguyên liệu lúa, mía, thủy sản… là đúng đắn và có từ lâu nhưng khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia do thực hiện thiếu đồng bộ.

Cho đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa có đề án phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ cho vùng ĐBSCL.

Điều quan ngại của các nhà khoa học còn ở chỗ Đề án liên kết vùng thực hiện các chính sách cho các dòng sản phẩm chủ lực do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam và đồng thuận của các tỉnh trong vùng, được triển khai khảo sát thực hiện từ năm 2008, sau hàng chục cuộc họp bàn thảo và thống nhất, đến nay vẫn chưa được phê duyệt.

Nhìn ở góc độ khác, theo như PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, dù hiện có rất nhiều văn bản pháp quy liên quan đến các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL nhưng dường như thiếu sự đánh giá, phản hồi và cũng có không ít cơ chế, chính sách không sát với thực tiễn đối với các sản phẩm chủ lực.

Đó là một trong rất nhiều điều được các chuyên gia đưa ra để thấy rằng vẫn còn rất nhiều lực cản để giúp các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL phát triển một cách bền vững và cần phải có đánh giá đúng thực trạng hiện nay.

Trước bức tranh còn ngổn ngang như thế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã đặt hàng với các chuyên gia rằng, hãy tập trung thảo luận và khuyến nghị các cơ chế, chính sách áp dụng cụ thể đối với từng sản phẩm chủ lực như gạo, tôm, cá, trái cây…

Nhìn nhận từ thực tiễn, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các bộ, ngành sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện và đề ra các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác được tiềm năng và lợi thế phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông - thủy sản chủ lực của vùng có hiệu quả và bền vững hơn…

MAI ANH

.
.
.