Thứ Bảy, 29/10/2016, 06:51 (GMT+7)
.

Bảo vệ tiếng gọi mẹ thiêng liêng

Tiếng mẹ được gọi khác nhau ở nhiều vùng, miền, dân tộc, giới đồng bào, tôn giáo…,  nhưng tiếng mẹ được dùng phổ biến nhất, và có lẽ kế đó là tiếng má.

Mẹ kính trọng, mẹ yêu thương. Công lao của mẹ được ví như trời biển “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Đành rằng công sinh thành, dưỡng dục, có cả công cha nghĩa mẹ, nhưng người mẹ có vai trò đặc thù mang nặng đẻ đau. Ta không nên phân biệt công nhiều công ít giữa hai người, đó là thiên chức do tạo hóa an bài, làm tròn chức năng là xứng đáng vinh danh, yêu kính.

Với vai trò đặc thù của mình, người mẹ cưu mang đứa con một thời gian dài, rứt ruột đẻ đau khi con chào đời, dòng sữa máu thịt nuôi dưỡng hài nhi cho tới ngày mớm cơm và đứng lên chập chững… Tình mẫu tử vun đắp biết bao ơn sâu nghĩa nặng!

Trong kháng chiến, Hội Mẹ là nơi an ủi, vỗ về, may vá cho những đứa con chiến sĩ, cán bộ; lo cháo, sữa cho thương binh, bệnh binh. Sau ngày giải phóng, những người mẹ có chồng, con hy sinh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ơn của mẹ kể sao cho hết. Tình của mẹ nói sao cho vừa!

Tiếng gọi mẹ là tiếng thiêng liêng, đầm ấm, thân thương nhất, hơn bất cứ tiếng gọi nào. Không được có chút gì sơ suất, hồ đồ làm thương tổn danh xưng cao quý đó. Vậy mà, vậy mà… Chắc bạn đọc đã biết người viết muốn nói gì rồi. Lời nói xúc phạm đến danh xưng mẹ trước hết ta thường nghe ở một số người khi họ bất bình, giận dữ điều gì đó, ai đó, hoặc giữa những người đang cãi nhau. Xen trong những lời mắng nhiếc, chửi bới, không ít người dùng tiếng chửi xúc xiểm danh xưng mẹ.

Điều đáng nói nữa là, trong những lúc sinh hoạt bình thường, không ít người quen miệng nói tục, chửi thề, và tiếng xúc xiểm danh xưng mẹ xen lẫn trong đó, có khi dày đặc trong câu. Hầu hết những người này là do quen miệng, không hề quan tâm đến ý nghĩa, sự ghê tởm của chúng nữa. Trường hợp này lại xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong quan hệ giữa người với người.

Nói tục, chửi thề là một tệ nạn xã hội, mà trong các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa chúng ta coi là một đối tượng cần bài trừ, thuyết phục, giáo dục xóa bỏ, nhưng nhiều người, địa phương, đơn vị được công nhận các loại danh hiệu văn hóa mà tệ nạn này vẫn còn trầm kha?

Tôi nghĩ, trong khi ta tiếp tục công tác xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ tệ nạn nói tục, chửi thề, trước hết hãy tập trung làm sạch câu chửi thề xúc xiểm đến danh xưng tiếng gọi mẹ thiêng liêng.

TRẦN  QUÂN

.
.
.