Thứ Sáu, 03/03/2017, 15:24 (GMT+7)
.

Cánh đồng "lớn" nhưng sản xuất "nhỏ"

Chưa thể phân tích một cách cụ thể vụ lúa đông xuân năm nay mang lại hiệu quả thế nào nhưng có một câu chuyện cũ lại xảy ra. Đó là tình trạng“bẻ kèo” trong việc thực hiện cánh đồng lớn (CĐL). Chúng tôi xem đó là câu chuyện cũ bởi lẽ điều này đã xảy ra rất nhiều năm và dường như chưa có nhiều chuyển biến, mặc dù đã có nhiều hội nghị mổ xẻ thực trạng, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp.

Vụ đông xuân 2016 - 2017 mới đi được khoảng nửa chặng đường và đã chứng kiến tình trạng “bẻ kèo” trong việc thực hiện liên kết CĐL. Nguyên nhân được đưa ra cũng là câu chuyện cũ, yếu tố cốt lõi vẫn là chưa thỏa thuận được giá mua bán giữa đơn vị thực hiện và người tham gia CĐL. Thậm chí, tính đến thời điểm hiện tại có đơn vị không thu mua được số lượng lúa nào nằm trong diện tích thỏa thuận thực hiện CĐL. Và như vậy, chắc chắn rằng khi kết thúc vụ đông xuân 2016 - 2017, với khoảng 2.000 ha ở 21 CĐL tại 7 huyện, thị của 4 đơn vị tham gia thực hiện CĐL sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Ảnh: Nguyễn Sự
Thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Ảnh: Nguyễn Sự

Chúng tôi xem đây là câu chuyện cũ, bởi trong năm 2016 tình trạng “bẻ kèo” cũng đã xảy ra. Theo đánh giá của Ban Điều hành xây dựng CĐL, dù đạt được một số kết quả nhưng tình hình thực hiện CĐL trên cây lúa trong năm 2016 cũng chỉ đạt 61% kế hoạch (4.634/7.559 ha), với sự tham gia của 3 doanh nghiệp (DN): Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Tân Thành và Công ty Lương thực Tiền Giang. Chưa kể số diện tích lúa được DN thu mua chỉ đạt tỷ lệ khoảng 63% so với số diện tích đã được ký hợp đồng. Còn nếu tính trên bình diện tổng thể, diện tích thực hiện CĐL trên cây lúa cũng chỉ chiếm 2,17% so với tổng diện tích gieo trồng. Theo đánh giá, mặc dù diện tích thực hiện CĐL hằng năm tuy có tăng nhưng không nhiều và đang có khuynh hướng chậm lại; diện tích thực hiện lại không đồng đều giữa các vụ (tập trung vào vụ đông xuân, chiếm trên 90% diện tích CĐL cả năm). Trong khi đó, số DN tham gia xây dựng phương án CĐL còn rất ít, chỉ có 2/6 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh tham gia.

Có lẽ bắt nguồn từ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện CĐL dẫn đến thực tế là không còn nhiều DN mặn mà tham gia. Bởi trước đó, trong vụ đông xuân 2013 - 2014, trên địa bàn tỉnh có đến 14 DN tham gia thực hiện chủ trương liên kết sản xuất lúa, với nhiều hình thức liên kết khác nhau, trên tổng diện tích sản xuất là 4.769 ha, với 19 xã tham gia, tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông… Tuy nhiên, kết quả là chỉ có 1.636 ha nằm trong diện liên kết được các DN thực hiện (chiếm 34%). Điểm đáng chú ý là chỉ có một vài DN thực hiện được 100% theo hợp đồng đã ký, các DN còn lại chỉ thực hiện được từ 2 - 65% theo hợp đồng, chưa kể có 6 DN không mua được lúa theo như thỏa thuận ban đầu.

Khi tình trạng “bẻ kèo” xảy ra, có rất nhiều nguyên nhân được dẫn ra, tất nhiên điểm chính yếu vẫn là không đạt được thỏa thuận về giá thu mua lúa giữa nông dân và DN. Khi đề cập đến vấn đề này, nhiều câu hỏi được đặt ra: Nông dân “bẻ kèo” DN? Thương lái và “cò lúa” bắt tay nhau? Hay DN không thực hiện đúng cam kết theo như hợp đồng đã ký kết? Thực hư câu chuyện “bẻ kèo” chắc chắn cần được các ngành, DN và người nông dân trực tiếp tham gia mổ xẻ. Nhưng rõ ràng cũng rất khó tìm tiếng nói chung để các hợp đồng liên kết sản xuất được thực hiện một cách bền chặt khi hàng loạt các câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện CĐL trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 được tổ chức gần đây, chi tiết được đưa ra tạo nhiều sự quan tâm đó là nhiều CĐL chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đã ban hành, xây dựng mang tính hình thức (hình thức là cánh đồng “lớn” nhưng thực chất sản xuất vẫn “nhỏ” như cũ và mang tính tự phát, phân tán, manh mún). Các DN thực hiện phương án liên kết với DN kinh doanh vật tư dẫn đến bị động về giá cả, chủng loại. Tại hội nghị này, hàng loạt nguyên nhân cũng được đặt ra: Do không thỏa thuận được giá mua giữa công ty và nông dân hoặc thương lái phá giá cao hơn 100 - 200 đồng/kg nhưng chỉ mua với số lượng ít diện tích lúa tốt; chưa thống nhất về thời gian định giá và ngày thu hoạch, chất lượng lúa khi mua, các yếu tố vận chuyển về nơi tập kết... Tất nhiên, những nguyên nhân này một lần nữa lặp lại trong vụ đông xuân năm nay.

Mục tiêu được Ban Điều hành xây dựng CĐL đưa ra trong năm 2017 là có 9.739 ha tham gia CĐL, tăng 2.180 ha so với năm 2016 và dự kiến thực hiện ở 41 xã (9 huyện, thị) cùng với đó là tỷ lệ cơ giới hóa và sau thu hoạch đạt 100%; giảm giá thành sản xuất 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch còn dưới 10%, tăng thu nhập từ 10 - 15% so với sản xuất theo tập quán truyền thống; sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng đạt 100%; 70% diện tích và sản lượng trong CĐL được DN đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Với những gì đang diễn ra trong vụ đông xuân năm nay, chủ trương thực hiện CĐL trong năm 2017 sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra.

Quyết định 24/2016/QĐ-UBND ngày 24-5-2016 của UBND tỉnh nhằm cụ thể hóa theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định các chính sách đối với DN và nông dân nếu tham gia CĐL, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Quyết định 24 của UBND tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong tình hình thực hiện liên kết trong sản xuất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Hy vọng với nhiều chính sách ưu đãi trong thực hiện liên kết sản xuất theo Quyết định 24 sẽ góp phần thúc đẩy mô hình này phát triển một cách bền vững, căn cơ hơn...

PHƯƠNG ANH

.
.
.