Thứ Hai, 12/11/2018, 21:02 (GMT+7)
.

Một chương mới cho hạt gạo?

(ABO) Festival lúa gạo lần thứ III dự kiến được tổ chức tại tỉnh Long An từ ngày 18 đến ngày 24-12 do Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An phối hợp tổ chức.

Ngoài hoạt động tương tự các lần Festival được tổ chức trước đây như triển lãm, hội thảo mang tính chuyên đề về lúa - gạo, Festival lúa gạo lần thứ III còn có điểm nhấn là Lễ Công bố Logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Điểm khác biệt của Festival lúa gạo lần thứ III là mở đường cho việc đi tìm thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Bởi suy cho cùng, sau gần 30 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo (bắt đầu năm 1989), với lượng gạo xuất khẩu hằng năm gần đây được xem là nhất, nhì thế giới nhưng tìm ra thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn là một câu chuyện dài.

Thương hiệu gạo Việt Nam còn bỏ ngỏ đã phần nào dẫn đến hệ lụy là dù số lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá trị mang lại chưa như mong đợi. Một thời gian dài, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tương đối thấp, mặc dù trong năm 2018 có cải thiện đáng kể, dẫn đến giá trị gia tăng từ hạt gạo không cao và điều tất yếu là thu nhập của người làm ra hạt gạo cũng thấp.

Thương hiệu góp phần gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam.
Thương hiệu góp phần gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam.

Festival lúa gạo lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào năm 2009 và Festival lúa gạo lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vào năm 2011 cũng bàn thảo rất nhiều giá trị hạt gạo và thương hiệu gạo Việt Nam. Chưa kể, thời gian qua có rất nhiều hội thảo mang tính chuyên đề nhằm tìm lời giải để nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam nhưng sự chuyển biến đối với việc xây dựng thương hiệu hạt gạo cũng chỉ mới bắt đầu.

Qua các hội thảo, các chuyên gia cũng cùng chung nhận định, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng lại chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Điều này xuất phát từ những yếu tố mang tính cốt lõi như: Nông dân Việt Nam có thói quen trồng quá nhiều giống lúa và bán lúa qua nhiều thương lái; thương lái đi mua lúa khắp nơi đem về bán cho các nhà máy xay xát; nhà máy lại cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu.

Nguồn nguyên liệu này có đủ nguồn gốc, đủ thứ giống lúa từ các địa phương nên gạo thành phẩm lẫn nhiều thứ khác nhau, không thể theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vì trực tiếp bán cho thương lái. Còn doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua lại gạo thành phẩm hoặc gạo nguyên liệu về để lau bóng. Chất lượng gạo đầu vào không đồng nhất, không ổn định nên rất khó xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc xây dựng thương hiệu hạt gạo, đặc biệt trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được manh nha nhiều năm nhưng lại thiếu sự liên kết vùng, mỗi nơi mỗi kiểu. Các năm qua nhiều địa phương như: Cần Thơ, An Giang, Long An, Tiền Giang… đã dành ra số tiền khá lớn để hỗ trợ giống lúa, cơ giới hóa và công nghệ thu hoạch nhưng để tiếp cận thị trường thế giới, xây dựng những thương hiệu gạo mạnh, cần tăng tính liên kết vùng.

Xây dựng vùng lúa chất lượng cao, với quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được đầu tư xây dựng một cách bài bản là những bước đi đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu hạt gạo đồng bằng. Ở đây, vai trò tác động của Nhà nước là rất quan trọng. Thế nhưng, việc xây dựng Cánh đồng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, ở từng tỉnh, thành nói riêng thời gian qua cũng không “thuận buồm xuôi gió”, với diện tích đạt được rất hạn chế.

Festival lúa gạo lần thứ II tại tỉnh Sóc Trăng.
Festival lúa gạo lần thứ II tại tỉnh Sóc Trăng.

Tại Hội thảo Định vị thương hiệu lúa - gạo - Ai bán? Ai mua? diễn ra trong khuôn khổ Festival lúa gạo lần thứ II tại tỉnh Sóc Trăng, GS.TS Bùi Chí Bửu, Giám đốc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, đã đưa ra nhận định: “Một kỷ nguyên của lương thực giá rẻ đã đến tận đường hầm!. Xuất khẩu là phương tiện tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển bền vững, nhưng điều kiện đặt ra là phải có chiến lược xuất khẩu gạo hợp lý, không phải từ hạt gạo mà từ hạt lúa và tạo dựng được thương hiệu lúa - gạo Việt Nam”.

Song, sau một chặng đường khá dài của xuất khẩu gạo, những vấn đề tồn tại, bất cập liên quan đến hạt gạo, hay nói cụ thể hơn là thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn mang tính thời sự.

Nhìn một cách tổng thể, xuất khẩu là cách thức mà Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị lương thực toàn cầu nhưng nó cũng đang đặt ra không ít thách thức. Bởi theo nhận định của các chuyên gia, lúa - gạo là khai thác lợi thế tài nguyên, những yếu tố này hết sức bất định trong bối cảnh toàn cầu hóa chưa kể đến sự tác động của biến đổi khí hậu.

Do vậy, tư duy trong chiến lược xuất khẩu gạo cần được chuyển mạnh từ khai thác lợi thế so sánh sang lợi thế cạnh tranh và cũng không nhất thiết xuất khẩu nhiều lúa - gạo để chứng tỏ đẳng cấp của một cường quốc về lúa - gạo. Đây là cách tiếp cận thực sự không mới nhưng vẫn còn nhiều giá trị đối với hạt gạo Việt Nam…

A.P

.
.
.