Thứ Tư, 24/04/2019, 14:58 (GMT+7)
.
Câu chuyện cây ăn trái

BÀI 2: Bài toán lợi ích

(ABO) Không quá khó để tìm hiểu nguyên nhân lý giải cho thực trạng nông dân các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng tập trung chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái, bất chấp có nằm trong quy hoạch hay không.

1. Cũng cần phải khẳng định ngay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hiện nay là bài toán về lợi ích kinh tế. Không có lý do gì mà nông dân không chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái, mít Thái chẳng hạn, khi nguồn thu nhập mang lại quá cao.

Chúng tôi có thể dẫn chứng, chỉ trong những tháng đầu năm 2019 đến nay, giá mít Thái luôn giữ ở mức khá cao, dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng mít Thái có thể thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha, trong khi đó chỉ cần mất chưa đến 2 năm trồng là đã cho thu hoạch.

Và tất nhiên, mức hiệu quả này cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập từ trồng lúa. Nói như ông Nguyễn Văn Thành, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, giá mít chỉ cần hơn 10.000 đồng/kg, người trồng cũng có thu nhập khá, trong khi thời gian qua giá mít luôn duy trì ở mức khá cao, có lúc hơn 50.000 đồng/kg.

“Đó cũng là một trong những lý do chính để người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả hay đất lúa sang mít Thái”- ông Thành chia sẻ với chúng tôi như thế.

Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây sầu riêng khá cao. Ảnh LĐ
Hiệu quả kinh tế mang lại từ cây sầu riêng khá cao. Ảnh: LĐ

Tất nhiên, lý do này cũng có nét tương đồng với một số loại trái cây khác. Sầu riêng cũng là một ví dụ. Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh cũng phần nhiều do hiệu quả kinh tế mang lại. Nhiều tỷ phú miệt vườn cũng đã xuất hiện chỉ sau một vài mùa sầu riêng trúng giá. Các xã Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung thuộc huyện Cai Lậy… là những địa phương thành công với mô hình trồng sầu riêng mang lại hiệu quả rất cao.

Chia sẻ về hiệu quả trồng sầu riêng, anh Nguyễn Văn Phương, ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, từ năm 2012 đến nay, anh liên tục xử lý ra hoa nghịch vụ trên toàn bộ diện tích là 1,4 ha và thu được 20 tấn trái, với giá bán 35.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm năng suất, sản lượng sầu riêng tăng dần, nhờ đó thu nhập của gia đình cũng tăng thêm.

“Hơn nữa, những năm gần đây, giá sầu riêng vụ nghịch thường ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg nên thu nhập của tôi cũng tăng dần. Riêng năm 2016, với 23 tấn trái sầu riêng, với giá bán bình quân là 68.000 đồng/kg, tôi thu được hơn 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm lợi nhuận gia đình thu được bình quân từ 800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng”- anh Phương cho biết như thế.

2. Con số về hiệu quả kinh tế của một số loại trái cây được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đánh giá cho thấy, mức thu lợi của nông dân trồng một số loại cây chủ lực đạt được cũng khá cao.

Chính sức hấp hẫn của nguồn thu nhập đã thúc đẩy nông dân tập trung chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao đã tạo nên phong trào rầm rộ trong thời gian vừa qua.

Bưởi da xanh cũng mang lại nguồn thu lớn.
Bưởi da xanh cũng mang lại nguồn thu lớn.

Đó cũng là điều đương nhiên, bởi chỉ cần lướt qua một số con số mới thấy rằng, không lý do gì người dân không chuyển đổi sang sầu riêng, xoài, bưởi da xanh… khi có điều kiện về đất canh tác và phù hợp với thổ nhưỡng của từng loại cây.

Đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang mới thấy rằng, nếu như năm 2013 cây bưởi chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 363 triệu đồng/ha/năm, đến năm 2018 đã đạt khoảng 630 triệu đồng.

Còn nếu tính trên cây sầu riêng, năm 2013 chỉ đạt 380 triệu đồng/ha/năm đến cuối năm 2018 đã đạt hơn 936 triệu đồng. Hiệu quả mà cây thanh long mang lại cũng khá cao, nếu như năm 2013 thanh long chỉ mang lại khoảng 221 triệu đồng/ha/năm, đến cuối năm 2018 đạt hơn 465 triệu đồng

Hiệu quả kinh tế một số cây ăn trái chủ lực của Tiền Giang (ĐVT: Triệu đồng).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tất nhiên, con số này người trồng đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư. Điều này góp phần lý giải cho thực tế sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2018 có tốc độ tăng về diện tích là 2,49% và tăng 5,36% về tổng sản lượng.

Sức hấp dẫn của cây ăn trái cũng còn được nhìn nhận qua lăng kính khác. Đó là kết quả xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng trên bình diện tổng thể của cả nước cũng tăng rất nhanh.

Đến thời điểm hiện nay, chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định rằng, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu rau quả đứng thứ 3 trong 5 nhà xuất khẩu chính, chỉ sau Philippines và Thái Lan.

Chúng ta cũng có quyền tự hào rằng, các mặt hàng rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu nhìn vào biểu đồ xuất khẩu cũng cho thấy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả nhanh và mạnh, bình quân tăng hơn 32% trong giai đoạn 2011 - 2016, năm 2017 tăng hơn 42%.

Điểm nhấn đáng kể nhất là năm 2018 xuất khẩu rau quả đạt đến 3,81 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu trái cây đã đạt 3,13 tỷ USD chiếm đến 82% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Sức nóng từ cây thanh long

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trên cả nước hiện có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích, sản lượng tăng lên rất nhanh. Nếu như vào năm 1995 cả nước chỉ có 2.250 ha, với sản lượng gần 23.000 tấn, đến cuối năm 2018 đã đạt gần 54.000 ha, với tổng sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và hơn 46 lần về sản lượng.

Thanh long hiện được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh: Bình Thuận (gần 30.000 ha), Long An (hơn 11.000 ha) và Tiền Giang (hơn 7.900 ha). Việt Nam trở thành nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng và xuất khẩu thanh long, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc), châu Âu và một số thời điểm ở châu Mỹ.

 

Chưa dừng lại ở đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam cũng đã được mở rộng và tăng trưởng mạnh, từ 13 thị trường trên 1 triệu USD vào năm 2014 đến năm 2018 đã có 14 thị trường đạt kim ngạch trên 20 triệu USD.

Đáng chú ý nhất là thanh long với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt đến 1,13 tỷ USD, chiếm đến 36% xuất khẩu trái cây tươi.

Chúng tôi chỉ điểm qua sơ bộ một số con số để thấy rằng sự chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái cũng có nguyên do của nó. Chính yếu tố bài toán lợi ích đã buộc nông dân phải lựa chọn theo xu hướng chung và nhu cầu của thị trường.

Chạy theo thị trường, mang tính phong trào bao giờ cũng để lại không ít hệ lụy. Bài học này, hơn bao giờ hết ngành Nông nghiệp cũng đã không ít lần nếm trãi. Bởi chúng ta cũng đã từng chứng kiến nông dân không ít lần chuyển đổi sang trồng cam, nhãn tiêu Huế…

Tất nhiên, để nông dân tuân thủ quy hoạch, không chạy theo phong trào mà đổ xô vào một loại cây trồng nào đó là điều thật sự không đơn giản cho ngành Nông nghiệp các địa phương vì hiệu quả kinh tế là thước đo gắn chặt với đời sống của từng hộ nông dân…

A.P

(Còn tiếp)

.
.
.