Thứ Năm, 21/03/2019, 10:18 (GMT+7)
.

Để trạm thu phí Cai Lậy hoạt động thuận lợi

Ngày 25-3 này, trạm thu phí Cai Lậy thu phí trở lại.

Dự án Xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh TX. Cai Lậy và tăng cường mặt đường Km1987+560 - Km2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT. Nhà đầu tư là liên danh Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (65%) và Công ty cổ phần đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (35%). Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang. Tổng mức đầu tư 1.398,18 tỷ đồng.

Sau khi công trình Dự án hoàn thành, nhà đầu tư tổ chức thu giá dịch vụ từ 1-8-2017. Do có những diễn biến phức tạp, mất trật tự an toàn giao thông tại trạm thu phí Cai Lậy, ngày 14-8-2017 nhà đầu tư đã dửng hoạt động thu giá dịch vụ. Ngày 30-11-2017, trạm thu phí Cai Lậy thu phí trở lại (giảm phí 30% toàn bộ phương tiện và miễn 50 - 100% cho 4 xã lân cận), tuy nhiên, tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự nên đã tạm dừng thu phí.

Ngày 20-12-2018, tại Công văn 100, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai phương án giữ nguyên trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay và thực hiện giảm giá vé (sau khi cân nhắc 5 phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phương án mới phải đảm bảo mục tiêu miễn, giảm giá vé cho nhân dân khu vực lân cận trạm thu phí; tổ chức phân luồng giao thông để đáp ứng yêu cầu chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường trung tâm TX. Cai Lậy; đảm bảo hài hòa lợi ích chung của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra phương án tổ chức thu giá sử dụng đường bộ như sau:

Mức giá: Giảm tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm thu phí Cai Lậy (xe  nhóm 1 từ 35,000 đồng/lượt xuống dưới 15.000 đồng/lượt, tương ứng là 57%) và mở rộng phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận lên đế  khoảng 10 km.

Phương án thu giá: Giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, tổ chức thu giá dịch vụ với công nghệ tự động không dừng và một dừng. Theo lộ trình, sẽ cơ bản thu tự động không dừng cho tất cả các làn (thu kết hợp không dừng và một dừng ở 2 làn hỗn hợp phía ngoài cùng).

Tổ chức giao thông: Phân luồng các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm TX. Cai Lậy (trừ các xe có nhu cầu giao dịch trong trung tâm TX. Cai Lậy). Việc phân luồng sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp căn cứ điều kiện giao thông thực tế và đề xuất của địa phương.

Phương án này có ưu điểm hơn các phương án còn lại: Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh; đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm TX. Cai Lậy; không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm thu phí, chi phí tổ chức thu giá dịch vụ (với 6 làn thu, chi phí khoảng 7,5 tỷ đồng/năm);

Các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 hiện hữu mặc dù không sử dụng tuyến tránh nhưng cũng được hưởng lợi từ việc rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu do không bị ùn tắc, mặt đường đã được thảm tăng cường đảm bảo êm thuận hơn và đủ khả năng chịu lực; tuân thủ chủ trương đầu tư, hợop đồng dự án đã ký.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh trật tự khi tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng tại tram thu phí Cai Lậy là rất quan trọng.

Vì vậy, mọi người cần hiểu đúng đắn mục đích, ý nghĩa, chủ trương của Chính phủ về việc thu giá dịch vụ đường bộ theo hình thứ BOT, lợi ích của việc thu phí qua trạm không dừng, mà cụ thể ở đây là phương án giữ nguyên vị trí trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay với nhiều ưu điểm nổi bật so với các phương án còn lại, đảm bảo hài hòa lợi ích chung của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó, tích cực góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực xung quanh trạm thu phí Cai Lậy và việc thu giá diễn ra thuận lợi. Đồng thời kêu gọi người dân, người tham gia giao thông không nghe kích động của kẻ xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

M.T

.
.
.