Thứ Tư, 14/08/2019, 09:25 (GMT+7)
.

Giấc mơ của Trung Quốc bị thương chiến ngáng chặn

Trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thiết lập kế hoạch tham vọng đưa nước này gia nhập nhóm những nền kinh tế phát triển nhất thế giới và trở thành một siêu cường vào năm 2050. Giấc mơ đó của ông Tập giờ đây dường như dần trôi xa khỏi tầm tay.

Chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình trên một áp phích đặt trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP
Chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình trên một áp phích đặt trên đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chống Bắc Kinh đang dồn thêm áp lực cho nền kinh tế 14.000 tỉ đô la của Trung Quốc, bao gồm mức nợ khổng lồ, ô nhiễm môi trường và dân số đang già hóa.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có nguy cơ bị kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” một thời gian dài trước khi vươn lên tầm thịnh vượng thế giới.

Các nhà kinh tế cho biết Trung Quốc có thể tránh nguy cơ đó bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giải phóng các thị trường và tăng cường sức mạnh công nghệ của đất nước.

Song nhiệm vụ đó không dễ dàng. Kể từ năm 1960 đến nay, chỉ có 5 nước đang phát triển vượt qua bẫy "thu nhập trung bình" để lọt vào nhóm nền kinh tế phát triển trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, theo giáo sư Michael Spence ở Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, người đạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2001.

“Trung Quốc đang nỗ lực vươn lên nền kinh tế phát triển nhưng cuộc đối đầu thương mại mà Mỹ phát động khiến cản lực cao hơn đối với Trung Quốc”, Andrew Polk, người đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, nhận định.

Trong báo cáo thường niên về nền kinh tế Trung Quốc công bố hôm 9-8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện, điều này sẽ gây tổn hại cho triển vọng dài hạn của Trung Quốc.

“Sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các thị trường và công nghệ nước ngoài có thể bị giảm nghiêm trọng”, báo cáo của IMF cho hay.

Khả năng Mỹ-Trung đạt được một thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn rất thấp. Sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố kế hoạch áp thuế 10% vào thêm 300 tỉ đô la hàng hòa Trung Quốc cách đây hai tuần, Bắc Kinh đã đáp trả bằng đòn kép: dừng mua nông sản Mỹ và cho phép tỷ giá giao dịch của nhân dân tệ (NDT) so với đô la Mỹ trên thị trường vượt qua mức 7 NDT ăn 1 đô la, mức yếu nhất kể từ tháng 8-2008.

Chính quyền Donald Trump phản ứng chỉ trong vài giờ sau đó bằng cách dán nhãn thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Nhà Trắng cũng hoãn đưa ra quyết định cấp phép cho hàng chục công ty Mỹ muốn nối lại hoạt động bán hàng cho hãng thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei vốn đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5.

Khi quan hệ Mỹ-Trung rơi xuống mức đáy mới, Jeff Moon, trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào ít nhất cho đến tháng 10 năm nay.

Một số tờ báo Trung Quốc đặt ra viễn cảnh Bắc Kinh có thể cân nhắc cắt đứt hoạt động thương mại hoàn toàn với Mỹ, đồng thời bày tỏ sự tự tin ở hệ thống kinh tế cũng như khả năng linh hoạt của nước này trong nỗ lực ứng phó với các thách thức bên ngoài.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc thích ứng nhanh chóng và đang tạo ra các thị trường xuất khẩu mới”, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu, một phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết trên Twitter hôm 8-8 sau khi các dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong tháng 7 tốt hơn dự báo.

Trong ngắn hạn, chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa chính sách để ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng kinh tế giảm về dưới mức 6% mỗi năm. Bloomberg Economics dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, trong khi đó Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiến hành kích thích tài chính để thúc đẩy đà hồi phục nhẹ của nền kinh tế trong nửa thời gian còn lại của năm 2019.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra tầm nhìn dài hạn đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhấn mạnh quyết tâm đưa đất nước gia nhập các nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới vào năm 2035 và tiến lên vị thế siêu cường vào năm 2050. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã cho thấy Trung Quốc vẫn còn nằm ở khoảng cách khá xa so với một số mục tiêu đề ra.

Bằng chứng sống động nhất cho thấy sự yếu thế của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ là việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất của ngành công nghệ Trung Quốc này vì các công ty bán dẫn trong nước vẫn chưa đủ trình độ để thay thế những sản phẩm chip cao cấp mà Huawei đang mua từ các nhà cung cấp Mỹ.

“Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận công nghệ tân tiến. Điều này khiến nước này khó bắt kịp trình độ công nghệ của phương Tây nhưng đồng thời sẽ đặt ra các động lực mạnh mẽ để phát triển hệ sinh thái công nghệ riêng”, Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á ở Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

Núi nợ gia tăng và dân số đang già hóa là hai thách thức lớn khác đối với Trung Quốc. Dù Bắc Kinh thực hiên cuộc vận động giảm nợ trong hai năm qua, tổng nợ trong nền kinh tế Trung Quốc (gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ hộ gia đình) vẫn tăng lên mức 303% GDP trong quí 1-2019, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Dân số đang già hóa của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 20% xuống còn 718 triệu người vào năm 2050, theo dữ liệu phân tích của Liên hợp quốc.

Dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000 lên mức khoảng 10.000 đô la trong năm nay, mức này vẫn còn thua xa mức 65.000 đô la/người/năm ở Mỹ và Singapore.

“Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chắc chắn gây khó khăn hơn cho tiến trình chuyển tiếp của Trung Quốc lên nền kinh tế phát triển. Trung Quốc sẽ mất một số thị phần xuất khẩu và dòng chảy công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chậm lại”, nhà kinh tế Michelle Lam ở Ngân hàng đầu tư Societe Generale (Pháp), nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.