Thứ Năm, 03/09/2020, 21:30 (GMT+7)
.

"Nói không" với đồ nhựa sử dụng một lần

(ABO) Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các cơ quan, công sở dừng ngay việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần, cho dù lộ trình của cả nước là đến năm 2025.

Chỉ thị nêu rõ: Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, ngày lễ, ngày kỷ niệm.

a
Ký hiệu ở dưới chai cho bạn biết đâu là nhựa có thể tái chế và không. Ảnh: Brightside

Rõ ràng Thủ tướng muốn các cơ quan nhà nước phải tiên phong “nói không” với đồ nhựa dùng một lần, góp phần bảo vệ môi trường. Bởi các cơ quan, công sở hiện là nơi sử dụng khá nhiều sản phẩm nhựa, trong đó có sản phẩm nhựa chỉ sử dụng một lần.

Vì thế, Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, công sở của Bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong phong trào này là rất đúng. Trong đó, vai trò của người đứng đầu các cơ quan là rất quan trọng.

Cụ thể hơn, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phải có kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý, hoàn thành trong tháng 10-2020; đồng thời, báo cáo định kỳ việc triển khai thực hiện hằng năm về Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ báo cáo Thủ tướng.

a
Người dân sử dụng chai thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: Hoàng Minh

Chúng ta đều biết, túi ni lông, chai nhựa, hộp nhựa… đang là lựa chọn hàng đầu để bao, gói, chứa đồ dùng. Đa số người tiêu dùng lựa chọn bởi sự tiện dụng của chúng.

Tuy nhiên, rõ là “tiện nhưng chưa lợi”, bởi những rác thải nhựa có thể tồn tại hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, trở thành mối đe dọa không chỉ đối với môi trường, hệ sinh thái, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.

Vì thế cần phải quyết liệt hơn với rác thải nhựa trước khi quá muộn, chúng ta cần có lộ trình tiến tới bỏ hẳn thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần rồi thải ra môi trường.

Và để thực hiện ngay Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch truyền thông, tập huấn năng cao nhận thức về phân loại, thu gom giảm thải chất thải nhựa cho cán bộ, công chức, viên chức và cả người dân để dần thay đổi thói quen.

Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan, địa phương cũng đã chuyển đổi việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, “nói không” với đồ nhựa, nhưng vẫn chưa phổ biến. Đây là lúc cần triển khai quyết liệt hơn, đặc biệt là sự tiên phong của các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần tác động đến các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển hướng sản xuất sao cho phù hợp, với những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Đây cũng là yêu cầu cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất để thích ứng và tồn tại trong xu thế phát triển bền vững có tính toàn cầu, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường.

D.S

.
.
.