Thứ Ba, 27/11/2012, 07:38 (GMT+7)
.

4 nhiệm vụ cấp bách triển khai phòng chống HIV/AIDS

Ngày 26-11, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị tổng kết Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2008-2012 và triển khai chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Tuyên truyền về cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: N.H
Tuyên truyền về cách phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Ảnh: N.H

Hội nghị đã tập trung vào ba vấn đề lớn là nghe báo cáo tổng kết phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008-2012; triển khai chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 và triển khai Nghị định của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đưa ra mục tiêu chung là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Chiến lược cũng đã đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ về chính trị-xã hội; về pháp luật, chế độ chính sách; về dự phòng lây nhiễm HIV; về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; về giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh; về nguồn tài chính, nhân lực; về cung ứng thuốc, thiết bị và về hợp tác quốc tế.

Sau 5 năm triển khai, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” do Bộ Y tế, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra sức lan tỏa lớn trong xã hội, nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân tham gia một cách tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư.

Cả nước hiện có 60/63 tỉnh, thành đã triển khai phong trào này. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tính đến cuối tháng 6-2012 cả nước có hơn 200.000 người nhiễm HIV đang sống, trong đó có hơn 58.500 người ở giai đoạn AIDS. Mỗi tháng, Việt Nam vẫn phát hiện trên 1.000 ca nhiễm mới.

Đáng lo ngại là dịch HIV vẫn tiếp tục lan rộng về địa dư và trong các nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp.

Đường lây truyền HIV tại Việt Nam cũng đang có sự thay đổi, trong đó lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Miền Bắc và miền Nam là những khu vực có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước.

Kế thúc hội nghị, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012-2020.

HOÀNG AN

(Tổng hợp)

.
.
.