Thứ Hai, 11/11/2019, 17:34 (GMT+7)
.

Hành động của cộng đồng quyết định thành công của công tác phòng, chống sốt xuất huyết

(ABO) Những năm qua, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn còn là gánh nặng sức khỏe không chỉ của người dân Việt Nam, mà còn là vấn đề sức khỏe của nhân dân ở khu vực Đông Nam Á. Dịch SXH không thể tránh được nhưng chúng ta có thể chủ động để làm giảm đáng kể quy mô, tần suất và tác động của dịch, giảm gánh nặng của căn bệnh này đối với cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tình Trần Văn Dũng chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện giải pháp phòng, chống SXH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tích cực thực hiện giải pháp phòng, chống SXH.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế, mặc dù công tác phòng, chống SXH đã được sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp nhưng số ca mắc SXH còn cao. Tính đến ngày 7-11, toàn tỉnh ghi nhận 5.139 trường hợp mắc SXH, tăng 189% so với cùng kỳ năm 2018. Dịch SXH đã xảy ra trên địa bàn tỉnh và kéo dài từ ngày 5-8 đến nay. Số ca mắc SXH theo tuần đã bắt đầu giảm trong 4 tuần gần đây nhưng số ca mắc vẫn còn cao hơn chỉ số báo dịch, xuất hiện nhiều trường hợp SXH nặng ở cả trẻ em và người lớn, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Bác sĩ  Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết số ca mắc sốt xuất huyêt có thể tiếp tục gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống
Bác sĩ Nguyễn Hữu Diệp cho biết, số ca mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Dự báo trong thời gian tới, diễn biến bất lợi của thời tiết như nắng nóng kéo dài xen kẽ với các đợt mưa lớn là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh nên số ca mắc SXH có thể tiếp tục gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân về phòng, chống SXH chưa cao, chưa chủ động diệt lăng quăng ngay trong hộ gia đình, thói quen trữ nước, không lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng… khiến công tác kiểm soát véc tơ, phòng bệnh gặp khó khăn.

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn cách kiểm soát lăng quăng tại hộ gia đình
Bác sĩ CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hướng dẫn cách kiểm soát lăng quăng tại hộ gia đình.

Sở Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình mình, góp phần cùng cộng đồng phòng, chống SXH với việc làm thiết thực là mỗi tuần dành ra 15 phút để làm sạch nơi làm việc, sinh sống, làm vệ sinh từ trong nhà đến xung quanh nhà không để cho nước đọng làm phát sinh lăng quăng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đề nghị, các ngành, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân quyết tâm phòng, chống dịch SXH. Trong đó, đồng chí Trần Văn Dũng lưu ý:

Mỗi người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh SXH cho bản thân và gia đình
Mỗi người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh SXH cho bản thân và gia đình.

Sở Y tế chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khả thi và bền vững; chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tổ chức nghiêm túc các chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, giữ vệ sinh môi trường, vận động học sinh, nhân dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Đồng thời với đó là theo dõi, tổng hợp báo cáo kịp thời diễn biến dịch bệnh, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt là phải tập trung thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị đối với bệnh nhân SXH; đảm bảo đủ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất đáp ứng yêu cầu phòng dịch và điều trị bệnh.

Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn, đồng chí Trần Văn Dũng nhấn mạnh: Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh SXH tại địa phương. Lãnh đạo địa phương phải tổ chức huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, trường hợp cần thiết có thể tiến hành xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không hợp tác phòng, chống dịch bệnh, để tồn tại nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng đồng; phân công, giao việc cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa bàn.

Đoàn xe tuần hành qua các tuyến đường để gây sự chú ý, quan tâm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.
Đoàn xe tuần hành qua các tuyến đường để gây sự chú ý, quan tâm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống SXH; biện pháp xử trí khi có ca bệnh SXH; nghiên cứu, đề xuất xử lý các trường hợp không tham gia phòng, chống dịch, giấu dịch; đồng thời, đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hằng tuần dành 30 phút để vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế nơi trú ẩn của muỗi…

THỦY HÀ

Sáng 11-11, Sở Y tế tổ chức Lễ phát động trực tuyến tăng cường truyền thông phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng năm 2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và TP. Mỹ Tho. Lễ phát động được trực tuyến đến 10 điểm cầu huyện, thị xã.

Sau lễ phát động, xe loa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Đội Mô tô TP. Mỹ Tho và đoàn viên Đoàn khối Các cơ quan tỉnh, Trường Cao đẳng Y tế tuần hành qua các tuyến đường để gây sự chú ý, quan tâm của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

 

.
.
.