Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:21 (GMT+7)
.

Chuẩn bị chu đáo để có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh

Mang thai và sinh con là thiên chức cao quý của phụ nữ. Có một thai kỳ an toàn và sinh ra những em bé khỏe mạnh luôn là điều mong muốn của mỗi phụ nữ cũng như gia đình. Do đó, việc chuẩn bị từ sớm sẽ tạo môi trường tốt nhất để thai nhi phát triển toàn diện, giúp giai đoạn thai kỳ của phụ nữ đỡ vất vả, trở nên nhẹ nhàng hơn.

Ngoài tiêm phòng đầy đủ với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao đe dọa sức khỏe mẹ và bé, hiện nay phụ nữ mang thai trên 14 tuần được khuyến cáo tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 để có thai kỳ an toàn.
Ngoài tiêm phòng đầy đủ với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao đe dọa sức khỏe mẹ và bé, hiện nay phụ nữ mang thai trên 14 tuần được khuyến cáo tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 để có thai kỳ an toàn.

Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang - Lê Trần Thu Thủy đã có những chia sẻ về các việc mà chị em phụ nữ cần chuẩn bị chu đáo trước khi mang thai.

CHUẨN BỊ MỘT CƠ THỂ KHỎE MẠNH

Trước tiên, chị em phụ nữ hãy đảm bảo luôn duy trì một sức khỏe tốt trước khi có ý định mang thai. Bởi trong thai kỳ, sức khỏe thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào sức khỏe của người mẹ, nếu sức khỏe người mẹ không tốt sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe bào thai.

Chị em phụ nữ nên tập thể dục thường xuyên, kiểm soát tốt cân nặng, nâng cao sức đề kháng để có một sức khỏe tốt. Phụ nữ có chỉ số BMI còn gọi là chỉ số khối cơ thể, nếu chỉ số này cao thì sẽ dễ gặp các biến chứng trong thời gian mang thai và trong khi sinh. Ngược lại, người có chỉ số BMI thấp dễ sinh con nhẹ cân. Chỉ số BMI của phụ nữ nằm trong khoảng từ 19 đến 25 là tốt nhất để mang thai.

Điều quan trọng thứ hai để chuẩn bị cho việc mang thai là các cặp vợ chồng nên đi khám tiền sản. Bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh của các cặp vợ chồng và gia đình, cũng như các loại thuốc mà vợ chồng đang sử dụng có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, sức khỏe thai kỳ và thai nhi hay không, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp.

Đối với chị em bị tiểu đường, hen suyễn hoặc huyết áp cao cần kiểm soát bệnh trước khi mang thai. Phụ nữ cũng cần xét nghiệm máu và xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tình dục và điều trị dứt điểm trước khi mang thai. Đặc biệt, việc kiểm tra di truyền của cả vợ chồng trước khi mang thai là rất quan trọng và cần thiết.

Chế độ ăn uống lành mạnh của cả vợ chồng sẽ làm tăng khả năng thụ thai cũng như đảm bảo thai kỳ diễn ra khỏe mạnh. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng cho phụ nữ gồm bữa ăn nhiều trái cây, rau tươi và ngũ cốc nguyên hạt; tránh những thực phẩm có nhiều chất làm ngọt nhân tạo; hạn chế uống rượu và cà phê.

Phụ nữ có ý định mang thai nên tránh tiêu thụ những thực phẩm có chứa caffeine, bởi hấp thụ caffeine quá nhiều có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây ức chế thần kinh. Chế độ ăn cho người chồng là ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm và vitamin E giúp tinh trùng khỏe mạnh.

Bác sĩ cũng khuyến cáo bổ sung acid folic, vitamin và khoáng chất cho phụ nữ trước khi mang thai. Acid folic hỗ trợ và đảm bảo não bộ, tủy sống của bé phát triển khỏe mạnh. Thiếu acid folic quá nhiều làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, rối loạn tâm thần sau sinh ở phụ nữ mang thai, gây hở hàm ếch, nứt đốt sống, bệnh tim mạch... ở trẻ khi sinh ra.

Vì vậy, việc bổ sung acid folic trước và trong quá trình mang thai là vô cùng cần thiết. Ngoài acid folic, các loại vitamin A, B, C, D, E, đặc biệt là B1 và B9, Omega 3, 6 và các chất khoáng như kẽm, sắt, i ốt, canxi sẽ giúp tăng miễn dịch của cơ thể, nâng cao sức khỏe của mẹ, hỗ trợ xây dựng màng tế bào, hệ thống thần kinh của thai nhi…

CHUẨN BỊ TÂM LÝ TRƯỚC KHI MANG THAI

Ở phụ nữ khi có thai, các tuyến nội tiết đều có sự thay đổi. Tuyến yên (khi có thai to lên khoảng 35%, các hormon của tuyến yên ít thay đổi, chỉ có prolactin tăng gấp 10 lần so với khi chưa có thai); tuyến giáp (to lên do tăng sinh mạch máu và tăng sản tuyến làm cho chuyển hóa cơ bản tăng)…

Đặc biệt xuất hiện thêm hai tuyến nội tiết mới (nhau thai, hoàng thể thai nghén) và có sự thay đổi về cơ bản hai loại nội tiết tố đó là HCG và các steroid. Hai hormon quan trọng nhất là estrogen và progesteron cũng tăng dần trong quá trình thai nghén đạt mức cao nhất vào tháng cuối của quá trình thai nghén.

Sự thay đổi các hormon và nội tiết tố gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, trong đó các chất tác động đến tâm trạng (như serotonin) gây xáo trộn trong tâm sinh lý ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, rất nhiều phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, buồn nôn, thèm ăn vô cớ, khó chịu trong người, dễ quên, cáu gắt...

Bên cạnh đó, trong suốt thai kỳ mọi thói quen cũng sẽ thay đổi rất nhiều, như: Mất ngủ, khó ăn, đi tiểu nhiều, tăng cân, đau ngực, dễ gặp các vấn đề tiêu hóa, ngứa toàn thân... Tất cả các vấn đề này rất cần được gia đình và người thân thấu hiểu, quan tâm, chăm sóc.

Tiêm phòng đầy đủ là khuyến cáo quan trọng đối với phụ nữ, bởi phụ nữ mang thai là nhóm dễ bị lây bệnh truyền nhiễm. Nếu lỡ mắc bệnh truyền nhiễm trong thời gian mang thai thì khả năng ảnh hưởng xấu đến bào thai rất cao, thậm chí có thể khiến thai nhi ngừng phát triển.

Chính vì thế, các tổ chức y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt những chị em có kế hoạch sinh con nên có miễn dịch đầy đủ với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao đe dọa sức khỏe mẹ và bé như bệnh cúm, rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, uốn ván… Việc tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm tốt nhất nên được thực hiện trước thời điểm có thai 3 tháng.

THỦY HÀ

.
.
.