.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số

Cập nhật: 22:02, 04/11/2022 (GMT+7)

Năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi 65 tuổi trở lên ở Việt Nam chiếm 7% dân số, nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo, thời gian quá độ từ già hóa dân số (tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số) sang dân số già (tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 20% dân số) ở Việt Nam chỉ khoảng 20 năm.

CẦN QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

Tại Tiền Giang, số người từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2011, tỉnh có 183.108 người, thì đến năm 2020 đã tăng lên 258.846 người. Tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên trên tổng số dân tăng đều qua các năm, tỷ lệ này vào năm 2015 là 12,7%, đến năm 2020 là 14,59%. Già hóa dân số hay tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu của phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh cũng đặt ra những thách thức lớn trong nhiều lĩnh vực như lao động, việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Do đó, cần thiết có Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thích ứng với giai đoạn già hóa dân số.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Châu Thành.
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Tại Tiền Giang, từ năm 2018, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Kết quả trong 3 năm 2018 - 2020, đề án đã tổ chức 770 cuộc truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và thực hiện 1.281 cuộc truyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; trách nhiệm kính trọng không kỳ thị, không xem tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi của gia đình có người cao tuổi; trách nhiệm thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi…

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng đã thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi cho 44.435 người.  Tổ chức truyền thông trực tiếp 1.386 cuộc cho trên 50 ngàn người để hướng dẫn chăm sóc và người cao tuổi tự chăm sóc.

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi cho 63.325 người.  Hướng dẫn 68.421 người cao tuổi các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, đã khám bệnh, chữa bệnh cho 103.542 người cao tuổi tại trạm y tế và 12.938 người cao tuổi tại nơi cư trú; khám sức khỏe định kỳ cho người từ 80 tuổi trở lên và người từ 60 tuổi neo đơn, bệnh nặng…

CHUẨN BỊ CHO GIAI ĐOẠN DÂN SỐ GIÀ

Ngày 10-8-2022, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 254 về thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu chung là chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể kế hoạch đề ra là 100% UBND các cấp ban hành kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025 và đạt 85% vào năm 2030.

Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70% và được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030. Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030.

Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025 và 90% năm 2030; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025.

Số xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, có ít nhất 1 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 50% năm 2025 và 90% năm 2030. Số huyện, thị xã, thành phố thí điểm, phát triển Mô hình Trung tâm Chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi đạt 20% năm 2025 và 50% năm 2030. Số huyện, thị xã, thành phố có mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đạt 25% năm 2025.

Phấn đấu 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Người cao tuổi neo đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025 và 100% năm 2030. Bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi có khoa lão khoa và bệnh viện tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi đạt 70% năm 2025 và 100% vào năm 2030. Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025 và 50% năm 2030.

Kế hoạch 254 về thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 được triển khai đến năm 2030 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.

Xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày. Tổ chức triển khai mô hình trung tâm dưỡng lão có nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo phương thức xã hội hóa.

Tiếp tục tăng cường năng lực khám, chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) - Thực hiện bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với người cao tuổi theo hướng dẫn của Trung ương. Ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, Internet,...) theo hướng dẫn của Trung ương.

MAI HÀ

.
.
.