Thứ Sáu, 24/04/2015, 07:21 (GMT+7)
.

Từng bước khẳng định vị thế của thể thao thành tích cao Tiền Giang

Tại Giải Cử tạ nằm trong khuôn khổ Đại hội TDTT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ VI năm 2015 diễn ra từ ngày 5 đến 12-4 tại Sóc Trăng, Đội tuyển Cử tạ của tỉnh đã đạt 8 huy chương vàng (HCV), 10 huy chương bạc (HCB) và 18 huy chương đồng (HCĐ), xếp hạng Nhì sau đoàn vận động viên (VĐV) tỉnh nhà. Thành tích này minh chứng cho sự đầu tư đúng hướng của ngành Thể thao tỉnh nhà đối với môn Cử tạ, một trong những môn thể thao trọng điểm của các môn Olympic.

Đội tuyển Cử tạ của tỉnh.
Đội tuyển Cử tạ của tỉnh.

Đội tuyển Cử tạ của tỉnh hiện có 15 VĐV dưới sự huấn luyện trực tiếp của huấn luyện viên (HLV) trưởng Nguyễn Thụy Khương và HLV phó Lê Nguyễn Quốc Thanh. Được biết, ý tưởng thành lập đội tuyển Cử tạ đã được ông Trần Phát Tài (lúc bấy giờ là cán bộ của Trung tâm Thể dục - Thể thao (TDTT), nay là Giám đốc Trung tâm, đề xuất lãnh đạo đưa vào danh sách các môn thể thao thành tích cao nhưng không được thực hiện.

Mãi cho đến năm 2012, bằng tâm huyết với thể thao thành tích cao tỉnh nhà, ông Tài tiếp tục xin chủ trương và được đồng ý thành lập đội tuyển Cử tạ. Từ đó đến nay, Ban huấn luyện Trung tâm TDTT cùng các VĐV cử tạ đã nỗ lực vượt khó trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tập luyện còn thiếu thốn để từng bước lập thành tích.

Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014 diễn ra tại Nam Định, đội tuyển Cử tạ chỉ cử VĐV Huỳnh Thị Nho tham dự với mục đích chủ yếu học hỏi kinh nghiệm nhưng đã lập thành tích với 2 HCĐ ở 2 nội dung cử đẩy và tổng cử ở hạng cân trên 75kg.

Cử tạ là môn thể thao dùng sức mạnh, phối hợp các động tác kỹ thuật nâng tạ với trọng lượng tối đa có thể được. Các cuộc thi đấu cử tạ chính thức được tổ chức ở Mỹ vào những năm 60 thế kỷ XIX. Những nước đầu tiên phát triển môn cử tạ hiện đại là: Pháp, Nga, Đức, Áo.

Thi đấu cử tạ có các kiểu cử đẩy và cử giật trên bục gỗ dày 8 - 12 cm, kích thước 4×4 m. Vận động viên dự thi cử tạ được đăng ký thi ở 3 mức, trọng lượng mức thứ 2 phải hơn mức thứ nhất ít nhất 5 kg, mức thứ ba hơn mức thứ hai ít nhất 2,5 kg. Để lập kỷ lục, vận động viên có thể cử tạ ở mức thứ tư.

Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) thành lập năm 1920, hiện có 106 liên đoàn quốc gia thành viên. Cử tạ có trong chương trình Đại hội Olympic từ năm 1896.

Trong khuôn khổ Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL lần thứ VI năm 2015, môn Cử tạ diễn ra tại Sóc Trăng từ ngày 5 đến 12-4, Đội tuyển Cử tạ Tiền Giang có 15 VĐV tham dự ở 5 hạng cân dành cho nữ từ 48 kg đến trên 63 kg, 7 hạng cân dành cho nam từ 50 kg đến trên 85 kg. Các VĐV Tiền Giang đã xuất sắc lập thành tích với 36 huy chương, trong đó có 8 HCV, 10 HCB và 18 HCĐ.

Cụ thể: VĐV Huỳnh Thị Nho đạt 3 HCV ở hạng cân 63 kg nữ; VĐV Phạm Minh Thuận đạt 2 HCV ở hạng cân 50 kg nam; VĐV Mai Trường Giang đạt 1 HCV ở hạng cân 56 kg nam; VĐV Nguyễn Thị Huyền đạt 2 HCV ở hạng cân 58 kg nữ.

Chia sẻ về thành tích đạt được của Đội tuyển Cử tạ, HLV trưởng đội tuyển Nguyễn Thụy Khương, cho biết: Tham dự giải đấu này, để các VĐV có tâm lý thoải mái, chúng tôi không đặt nặng vấn đề chỉ tiêu huy chương.

Tuy nhiên, Ban huấn luyện cũng như các thành viên đội tuyển luôn nỗ lực hết mình hướng tới mục tiêu cao nhất. Kết quả mà Cử tạ Tiền Giang giành được ở giải đấu này sẽ là động lực để các VĐV cũng như Ban huấn luyện tiếp tục nỗ lực hơn nữa tại các đấu trường khu vực.

Theo đánh giá của Ban huấn luyện đội tuyển, sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Trung tâm TDTT cùng quá trình nỗ lực tập luyện, quyết tâm lập thành tích cao của VĐV là những điều kiện quan trọng giúp đội tuyển Cử tạ đạt thành tích.

Thạc sĩ TDTT Nguyễn Thụy Khương, Phó trưởng Phòng Huấn luyện Trung tâm TDTT tỉnh nhận xét: “Cùng các môn Taekwondo, Pencak Silat, Vovivam, Cử tạ là thế mạnh của thể thao thành tích cao tỉnh nhà và được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tích cao hơn trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Thời gian qua, trong điều kiện kinh phí đầu tư từ ngân sách cho thể thao nói chung còn hạn chế, nhưng Ban huấn luyện cũng như VĐV đội tuyển Cử tạ nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tập luyện, thi đấu tốt”.

Thạc sĩ TDTT Đỗ Đình Kháng, Trưởng bộ môn Cử tạ, Phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục Thể thao) đánh giá cao về tiềm năng của VĐV môn Cử tạ Tiền Giang: “Mặc dù được thành lập trong thời gian ngắn và kinh phí đầu tư còn rất hạn chế so với những địa phương khác nhưng thành tích được xếp hạng Nhì tại Đại hội TDTT khu vực ĐBSCL năm 2015 của Cử tạ Tiền Giang là “đáng nể”.

Nếu bộ môn này tiếp tục được quan tâm, đầu tư đúng mức (đặc biệt là có những cuộc tập huấn nước ngoài) thì các VĐV sẽ có khả năng lập thành tích cao hơn ở những cuộc tranh tài trong nước, khu vực và quốc tế”.

Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh trao đổi: “Thành tích của môn Cử tạ cũng như một số môn thể thao trọng điểm trong thời gian qua đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng của tỉnh nhà cho thể thao thành tích cao và đã từng bước đạt được thành tích đáng ghi nhận.

Hiện nay, Ban huấn luyện trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm vào các nội dung thi đấu của các môn thể thao thành tích cao để không chỉ mang lại thành tích cho thể thao tỉnh nhà mà còn đóng góp cho Việt Nam tại những giải đấu quốc tế.

Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành TDTT còn rất cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo tỉnh nhà đối với quá trình triển khai thực hiện Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2020”.

HOÀNG AN

.
.
.