Chủ Nhật, 26/02/2017, 06:20 (GMT+7)
.

Xã hội hóa thể dục - thể thao: Vẫn còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, công tác xã hội hóa thể dục - thể thao (TDTT) của tỉnh đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đạt được như mong đợi.

Với niềm đam mê với trái bóng tròn, ông Nguyễn Ngọc Lâm đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Sân bóng Lâm Tuấn (đường Lộ Tập Đoàn, phường 5, TP. Mỹ Tho), gồm 6 sân nhỏ có tổng diện tích 8.000 m2, để những người có cùng sở thích có nhiều cơ hội được luyện tập môn “thể thao vua” hằng ngày.  Sân Lâm Tuấn là một trong 30 sân cỏ mini được tư nhân đầu tư trên địa bàn TP. Mỹ Tho, thu hút từ 150 - 200 người đến luyện tập mỗi ngày, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và những tháng hè lượng người đến sân còn cao hơn.

Với niềm đam mê với trái bóng tròn, ông Nguyễn Ngọc Lâm đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng Sân bóng Lâm Tuấn (đường Lộ Tập Đoàn, phường 5, TP. Mỹ Tho),
Hồ bơi TP. Mỹ Tho (cơ sở 2) là một trong những công trình được xây dựng từ nguồn xã hội hóa nổi bật của TP. Mỹ Tho.

Anh Lê Nguyễn Hồng Quân, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, cho biết: “Những năm gần đây, thành phố có nhiều sân bóng đá mini được mở ra, với giá thuê sân hợp lý từ 100 - 200 ngàn đồng/giờ, giúp tôi và bạn bè có nhiều cơ hội tập luyện môn thể thao yêu thích”.

Có thể nói, những sân bóng đá nói riêng và những điểm tập luyện TDTT được đầu tư từ nguồn xã hội hóa TDTT khác đã góp phần mở rộng sân chơi, nơi tập luyện TDTT cho người dân TP. Mỹ Tho.

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, Quyền Giám đốc Trung tâm TDTT TP. Mỹ Tho, cho biết: Công tác xã hội hóa TDTT ở Mỹ Tho được thực hiện một cách chủ động, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, đáp ứng yêu cầu lợi ích cho phong trào TDTT, cho xã hội và sự yêu thích, đam mê thể thao của đơn vị tài trợ. Trong 3 năm, từ năm 2014 - 2016, đơn vị đã vận động từ nguồn xã hội hóa TDTT (bao gồm hiện vật, hiện kim) được trên 2,5 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất; trên 1,8 tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động TDTT trên địa bàn.

Đã có trên 40% số giải, hội thao do TP. Mỹ Tho tổ chức nhận được sự đóng góp của các nhà tài trợ. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho hoạt động TDTT như CLB thể dục thẩm mỹ, thể dục nhịp điệu, CLB thể dục thể hình, hơn 30 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, hàng chục sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân quần vợt, nhà tập thể thao của cơ quan, tư nhân với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, thúc đẩy phong trào luyện tập TDTT theo gương Bác ngày càng phát triển, số người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng từ 20,1% (năm 2006) lên trên 31% (năm 2016). Một số môn thể thao phát triển ở TP. Mỹ Tho chủ yếu là do yếu tố xã hội hóa như: Thể dục nhịp điệu, thể dục thể hình, thể dục dưỡng sinh, bida, bóng rổ, xe đạp…

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa TDTT ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đơn cử như ở huyện Tân Phước. Ông Lê Quốc Trạng, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Tân Phước, chia sẻ: “Do kinh tế, đời sống của nhân dân trong huyện còn nhiều khó khăn, ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn (đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động khó khăn) nên công tác vận động xã hội hóa TDTT của huyện rất khó khăn, gần như không có nguồn. Toàn huyện chỉ có 4 sân bóng đá mini, 1 điểm luyện tập TDTT được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Công tác vận động hỗ trợ các hoạt động, phong trào TDTT cũng rất hạn chế, đa phần chỉ vận động được áo thi đấu và quà cho vận động viên ở các giải thi đấu thể thao cấp huyện”.

Theo Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 230 sân bóng đá (111 sân cỏ nhân tạo), 8 sân bóng chuyền, 30 sân cầu lông, 12 sân tennis, 9 hồ bơi, 20 nhà thi đấu tập luyện, 32 phòng tập thể hình, thẩm mỹ được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa (do tư nhân đầu tư và quản lý), tạo tiền đề thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng liên tục phát triển, ngày càng lớn mạnh và lan tỏa. Cụ thể, số người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên tăng từ 23,55% (năm 2010) lên 31% (năm 2016); số gia đình tham gia thể thao thường xuyên tăng từ 16,47% lên 21,94%.

Ông Trần Phát Tài, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Thi đấu TDTT tỉnh, cho biết: Nhìn chung, công tác xã hội hóa TDTT có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa được như mong đợi; còn gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp không còn hỗ trợ, tài trợ nhiều cho các hoạt động giải trí TDTT và tài trợ cho các đội tuyển từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Chỉ còn một số đơn vị tài trợ về tiền và hiện vật thường niên như: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang tài trợ cho Đội bóng đá tỉnh 2 tỷ đồng/năm; Công ty Tài Sport cùng các mạnh thường quân tài trợ trên 80 triệu đồng tổ chức Giải Bóng bàn tỉnh Tiền Giang mở rộng lần thứ III; các mạnh thường quân, các liên đoàn, các hội võ thuật tài trợ Giải Cử tạ Thanh thiếu niên toàn quốc, Giải Trẻ Pencak Silat toàn quốc trên 50 triệu đồng. Các Hội võ thuật tổ chức giải tỉnh với kinh phí trên 160 triệu đồng.

Cũng theo ông Trần Phát Tài, công tác TDTT của tỉnh chưa có nhiều cá nhân, đơn vị hưởng ứng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Trong đó, sân chơi, nơi tập luyện TDTT ở nhiều xã, phường, thị trấn còn thiếu, nhất là các công trình phục vụ cho tập luyện, giáo dục thể chất trong các trường học vẫn chưa vận động xây dựng được.

Để công tác vận động xã hội hóa TDTT được thực hiện tốt, ngành Thể thao cần phải nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao thành tích, nâng cao quy mô tầm cỡ các giải đấu như đăng ký, đăng cai các giải vô địch quốc gia. Phong trào thể thao quần chúng phải phát triển mạnh, từ đó mới thu hút được nhiều người dân quan tâm theo dõi các giải đấu, tạo cơ sở để vận động, thu hút được nhiều nhà tài trợ ủng hộ giải để quảng bá thương hiệu.

PHAN THẮNG

.
.
.