Thứ Hai, 07/08/2017, 09:21 (GMT+7)
.

SEA Games & nỗi ngán ngẩm "ao làng"

Thời gian qua, SEA Games luôn bị các nước trong khu vực ta thán là ao làng, bởi cách tổ chức và đưa vào các môn thi đấu không giống ai. SEA Games 29 cũng không phải là ngoại lệ.

Cách đây vài ngày, trò chuyện với HLV Huỳnh Hữu Chí của đội tuyển cử tạ, ông than thở: “Chẳng ở đâu như SEA Games. Cử tạ là một môn thi đấu chính thức của Olympic, nhưng nước chủ nhà vui thì tổ chức, buồn cắt đi. Năm nay, Malaysia chỉ đưa vào tổ chức đúng 5 hạng cân thi đấu của nam, khiến các nước kêu trời”…
 
Lâu nay trừ 3 môn điền kinh, bơi lội và bóng đá nam, tất cả các môn còn lại dù có nằm trong hệ thống olympic như TDDC, cử tạ, đấu kiếm, bóng đá nữ, canoeing… nhưng khi nước chủ nhà đăng cai SEA Games không mạnh (hoặc không thích), họ sẵn sàng cắt ra khỏi hệ thống thi đấu của đại hội bất cứ lúc nào. Đây là thực trạng chung của đại hội thể thao Đông Nam Á trong suốt thời gian dài. Nước nào tổ chức đại hội cũng có tình trạng này, khiến giới chuyên môn phải đặt cho SEA Games cái hỗn danh “ao làng”.
 
SEA Games 29 tổ chức tại Malaysia cũng không ngoại lệ. Dù không cắt giảm quá nhiều môn thi đấu như các kỳ đại hội trước, nhưng nhiều môn như cử tạ, TDDC, đấu kiếm và cả điền kinh đã bị nước chủ nhà cắt bớt các nội dung thi đấu, khiến nhiều đoàn thể thao của khu vực phải vò đầu bứt tóc.
 
Trước thềm SEA Games, các nữ lực sĩ cử tạ Việt Nam đã chia sẻ cùng người viết: “Tập luyện quần quật quanh năm với quả tạ, nhưng nay khi mọi người háo hức chuẩn bị lên đường dự SEA Games, nhưng bản thân phải ở nhà do nước chủ nhà không tổ chức thi đấu, nên thấy chạnh lòng!”.
 
Bao giờ SEA Games mới thoát cảnh ao làng?
 
(Theo bongdaplus.vn)
.
.
.