Thứ Tư, 10/07/2013, 07:42 (GMT+7)
.

Tự hào về chủ quyền biển, đảo Việt Nam

Triển lãm  bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”, diễn ra từ 9-15/7. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”, diễn ra từ 9 đến 15-7. Ảnh: Thúy Hà

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” đã chính thức khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), sáng 9-7, với gần 150 bản đồ, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và tư liệu được trưng bày, đến hết ngày 15-7.

Triển lãm thêm một lần nữa khẳng định với bạn bè quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, Triển lãm lần này là dịp nhằm gửi thông điệp tới bạn bè thế giới cũng như nhân dân Trung Quốc rằng, nhân dân ta từ bao đời nay bảo vệ và gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tinh thần đoàn kết, giữ gìn và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Triển lãm cũng là dịp tri ân đồng bào, chiến sĩ trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài bao nhiêu năm qua đã sưu tầm, gìn giữ và hôm nay tặng lại triển lãm làm tài liệu hết sức quý giá cho hôm nay và thế hệ mai sau. Đồng thời đây cũng là dịp giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức gìn giữ đất nước, bảo vệ lãnh thổ chủ quyền… cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại cho biết, đây là tập hợp các nguồn tư liệu khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.

Triển lãm được chia theo 3 nhóm tư liệu chính để tiện người tham quan gồm: Phiên bản của các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; Tập bản đồ gồm 95 bản chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; 3 cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933.

Theo Ban tổ chức triển lãm, trong 3 nhóm tư liệu trên, nhóm tư liệu của Việt Nam nhấn mạnh vào các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất chính thức của nhà nước như châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử…

Nhóm tư liệu của Trung Quốc tập trung vào một số bản đồ và 3 tập Atlas khẳng định ranh giới cực Nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ sự quan tâm về triển lãm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Nhiều bạn trẻ chia sẻ sự quan tâm về triển lãm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Thúy Hà

Nhóm tư liệu thứ ba là bản đồ và thư tịch cổ phương Tây nhằm giới thiệu một số bản đồ tiêu biểu cho mỗi giai đoạn nhận thức về biển Đông cũng như các tư liệu xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên vùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các nhà hàng hải, thương nhân và chuyên gia bản đồ phương Tây.

Chứng cứ quan trọng chứng minh chủ quyền quốc gia

Hòa trong dòng người vào xem triển lãm, ông Nguyễn Bá Diễn, Giám đốc Trung tâm Luật biển hàng hải quốc tế, chia sẻ: “Cũng như mọi công dân Việt Nam, tôi rất phấn khởi khi tận mắt chứng kiến những bằng chứng rất rõ ràng về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Điều này càng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ đất nước của chúng ta, khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta đối với chủ quyền trên biển Đông nói chung cũng như chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nói riêng”.

Là một chuyên gia pháp lý, ông Nguyễn Bá Diễn cho biết dưới góc độ luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế thì hệ thống bản đồ được coi như là một chứng cứ quan trọng để chứng minh chủ quyền của một quốc gia đối với một lãnh thổ nhất định hoặc để bác bỏ việc xác lập chủ quyền của một quốc gia khác.

Bước đầu hệ thống bản đồ trong Triển lãm lần này, kể cả hệ thống bản đồ của phương Tây, bản đồ của chính nhà nước Trung Quốc trước đây đều thể hiện rằng Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ là của Trung Quốc mà thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, các bản đồ do các nước thứ 3 (các nước phương Tây) không có liên quan đến tranh chấp biển Đông nhưng cũng đều thể hiện rằng Hoàng Sa và Trường Sa không phải là của Trung Quốc.

Sau khi triển lãm này diễn ra tại Hà Nội, những bản đồ và tư liệu này sẽ được trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 8-2013. Sau thời gian này, Cục sẽ dự kiến kế hoạch tiếp tục sưu tầm, tập hợp, thẩm định và hoàn chỉnh tư liệu để xây dựng bộ tư liệu mềm (tư liệu điện tử) để giới thiệu tới các địa phương và đồng bào cả nước.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.