Thứ Tư, 11/03/2015, 16:25 (GMT+7)
.

Nghệ nhân Út Son: Bóng rỗi như số mệnh và nghiệp duyên

Ngày 29-3-1990, Út Son (quê xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) từ biệt ba má để về làm con nuôi, làm đệ tử của bà bóng nổi tiếng Lê Thị Thủ (ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy) và cho rằng nghề này là số mệnh và nghiệp duyên của mình.

Út Son nói: “Ngày đầu tiên bái tổ học nghề, mẹ Thủ đưa Út cây cửu trùng đài, bảo ngửa mặt đặt chân nó lên môi để tập lấy thăng bằng, làm môi xưng vảnh lên, ăn uống khó khăn mấy ngày, nhưng chỉ 10 ngày sau Út làm thành thạo những gì thầy dạy và được theo thầy cúng miễu”.

Út Son múa mâm vàng phục vụ lễ hội ở sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Út Son múa mâm vàng phục vụ lễ hội ở sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Bà Bóng Thủ đã “chấm” Út Son ngay từ khi còn rất nhỏ. Út cũng rất mê bà múa bóng, nghe bà múa cúng miễu, cúng trang là chạy theo xem bằng được. Mãi đến năm Út Son hơn 20 tuổi, ba má ruột mới đồng ý cho về sống và theo nghề bóng rỗi với má nuôi. Đúng như mong đợi, Út Son rất có khiếu, tiếp thu nhanh và múa đẹp.

Út Son giới thiệu cây “cửu trùng đài” của mẹ nuôi là bà bóng Lê Thị Thủ  đã dạy rất nhiều học trò.
Út Son giới thiệu cây “cửu trùng đài” của mẹ nuôi là bà bóng Lê Thị Thủ đã dạy rất nhiều học trò.

“Út may mắn có được người mẹ nuôi, người thầy tài giỏi truyền nghề. 15 năm, Út đã học được rất nhiều ở mẹ nuôi từ nghề nghiệp cho đến cách đối nhân xử thế. Cái tinh hoa của bóng rỗi mà mẹ đã dạy, giờ đây được xem là một môn nghệ thuật diễn xướng dân gian, Út cảm thấy vui và tự hào” - Út Son tâm sự.

Năm 2007, ngành Văn hóa của tỉnh tổ chức Liên hoan “Bóng rỗi và cắt dán mâm vàng”, 4 học trò của mẹ Thủ là Út Son, cô Tư bóng (Tư Trầu ở cầu Xéo, huyện Cái Bè), anh Dương Minh Đức (ở huyện Cai Lậy, hiện làm nghề bóng rỗi ở TP. Hồ Chí Minh) và anh Nguyễn Ngọc Vinh (hiện làm bóng rỗi ở tỉnh Long An) đã đăng ký thi tài và Út Son đoạt được 3 giải thưởng: Giải A múa mâm vàng, giải A hát rỗi và giải B cắt dán mâm vàng.

Tiếc rằng, mẹ nuôi không còn để tận hưởng niềm vui về cái nghề mẹ đã theo cả đời mà có lúc suýt bị thất truyền vì bị nhầm lẫn nó là đồng bóng mê tín.

Sau đó Út Son thường xuyên có mặt trong các cuộc thi tài và đã đoạt nhiều giải thưởng: Huy chương Vàng múa mâm vàng Cửu Long (năm 2007 ở tỉnh Nghệ An), Huy chương Vàng diễn xướng dân gian toàn quốc (tổ chức tại Đà Lạt năm 2014) và được Trung Tâm VHTT tỉnh mời biểu diễn phục vụ nhân các dịp lễ hội…

Út Son đã có 2 học trò là: Đặng Thanh Hải (SN 1980, ở huyện Gò Công Tây) đã theo nghề múa bóng rỗi được hơn 3 năm và học trò thứ hai (đã xin giấu tên, ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), anh này không làm bóng rỗi mà học múa bêu theo kèn Tây phục vụ tang lễ để mưu sinh.

Út Son tâm sự: “Mẹ nuôi mất gần 10 năm. Ngoài những lúc đi cúng, Út thui thủi một mình rất buồn. Út nghĩ mẹ nuôi đã chọn mình và truyền nghề là giao trọng trách nên Út phải làm cho thật tốt và muốn tìm học trò có tâm với nghề dạy lại tất cả những gì mình đang có để lưu giữ.

Những khi múa cúng, Út luôn tôn trọng thánh thần và bà con, múa đủ, đúng bài bản và trong nghi lễ múa cúng không thể thiếu múa bêu bình và múa tỉnh (cái độc bình và cái tỉnh). Theo dân gian “bình và tỉnh” là cầu cho sự bình an… Út luôn tập luyện và học hỏi thêm ở đồng nghiệp nhưng luôn giữ cái cổ điển của thầy đã truyền dạy, giữ gìn cái hồn cốt của dân gian để mẹ nuôi được vui ở cõi vĩnh hằng”.

NGỌC LỆ

.
.
.