Thứ Sáu, 19/08/2016, 12:06 (GMT+7)
.

Bài học to lớn từ Anh hùng dân tộc Trương Định

Cứ đến trung tuần tháng tám hàng năm là người dân vùng Gò Công nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm Ngày Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định tuẫn tiết (20-8-1864).

Ông Nguyễn Văn Tân, người nhiều năm gắn bó với Đền thờ AHDT Trương Định cho biết, những năm qua, người dân đến dự giỗ AHDT Trương Định rất đông, không chỉ người trong tỉnh mà cả ngoài tỉnh, nên công việc chuẩn bị giỗ AHDT Trương Định diễn ra từ rất sớm và chu đáo.

Còn đối với người dân TX. Gò Công, trong 3 ngày giỗ, hầu như tất cả hộ dân buôn bán đều đến dự, đã trở thành truyền thống, tập quán từ rất lâu của người dân Gò Công. Gần đến ngày giỗ, người dân tự nguyện đăng ký đóng góp, người mang gạo, người mang hoa quả, rau củ, bột ngọt, đường…

 Rất đông người dân đến viếng AHDT Trương Định nhân lễ giỗ vào ngày 20-8 hàng năm.
Rất đông người dân đến viếng AHDT Trương Định nhân lễ giỗ vào ngày 20-8 hàng năm.

Điều đặc biệt là, nhân Lễ giỗ lần thứ 152 Ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết 20-8 năm nay, UBND TX. Gò Công sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh mộ bà Trần Thị Sanh (vợ thứ của AHDT Trương Định).

Trước đó, vào dịp Lễ giỗ lần thứ 149, UBND TX. Gò Công đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, với 3 công trình được tôn vinh gồm: Đền thờ và lăng, Tượng đài AHDT Trương Định và quyển sách gỗ mộc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng.

Theo Sở VH-TT&DL, trong thời gian qua, tỉnh và TX. Gò Công đã trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động của AHDT Trương Định, trong đó có 3 di tích được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, gồm: Đền thờ AHDT Trương Định ở xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông), Lũy pháo đài (huyện Tân Phú Đông) và Đền thờ, lăng mộ AHDT Trương Định ở TX. Gò Công.

Với sự kiện tôn vinh giá trị kỷ lục cho 3 công trình di tích lịch sử và đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội AHDT Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm nay không chỉ góp phần nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa cho thế hệ kế thừa, niềm tự hào về tấm gương kiên trung, bất khuất của AHDT Trương Định, mà còn có ý nghĩa để giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đón nhận quyển sách gỗ độc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng.
Đón nhận quyển sách gỗ độc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng.

Khi đề cập về những bài học mà AHDT Trương Định để lại, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã từng chia sẻ với chúng tôi rằng, đối với người Tiền Giang nói chung và Gò Công nói riêng, đặc biệt là lớp trẻ cần phải lưu ý mấy vấn đề:

Nói đến Trương Định là nói đến một người có năng lực, có ý chí và có nghệ thuật tổ chức khẩn hoang. Tên tuổi của Quản cơ Trương Định đã gắn liền với sự nghiệp tổ chức khẩn hoang của ông. Ngày xưa chỉ có khẩn hoang, ngày nay lớp trẻ có quá nhiều công việc để làm, làm việc gì cũng được, miễn là việc đó ích nước lợi nhà.

Bài học đầu tiên của ông Trương Cầm (thân sinh của AHDT Trương Định) và của Trương Định cũng bắt đầu từ đó. Hơn thế nữa, những người đi theo Trương Định cũng là những người thể hiện được điều đó. Bài học thứ hai là, khi vận nước lâm nguy, thái độ trang nghiêm nhất, đúng đắn nhất là cầm lấy vũ khí để cứu nước. Lúc bấy giờ giữa anh hùng và phản bội, giữa cao thượng và thấp hèn thể hiện một cách rất rõ ở chỗ ai dám hoặc không dám chống kẻ thù của dân tộc.

Trương Định là người nêu cao nghĩa khí, cầm vũ khí để chống lại quân xâm lăng. Bài học đó đối với lớp trẻ hiện nay là không thể tách biệt ra khỏi vận mệnh của dân tộc, phải có trách nhiệm với dân tộc, thực hiện trách nhiệm bằng tất cả khả năng và điều kiện riêng của mình.

Lúc này kẻ thù xâm lăng không còn nữa nhưng sự đói nghèo thực sự là kẻ thù. Có một thời như thời Trương Định ai không thấy mất nước là một nỗi nhục, kẻ đó không đáng sống. Có một thời như thời hôm nay ai không thấy đói nghèo là một nỗi nhục, kẻ đó cũng không đáng sống. Lớp trẻ luôn phải làm giàu cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Nhưng làm giàu không phải với bất cứ giá nào, mà phải làm giàu một cách đàng hoàng. Làm giàu để không thể chỉ đem lại giá trị kinh tế, mà còn đem lại những giá trị về tri thức và văn hóa cho đời sau. Đó là bài học cốt lõi từ AHDT Trương Định mà chúng ta cần rút ra...

THẾ ANH

Nhiều hoạt động ý nghĩa

UBND TX. Gò Công tổ chức Lễ kỷ niệm 152 năm Ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết vào ngày 20-8 một cách trang nghiêm như hàng năm, với nội dung chính là các đoàn đại biểu của Trung ương, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang, tỉnh Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - CLB họ Trương, các huyện, thành, thị trong và ngoài tỉnh đặt tràng hoa tại lăng mộ và thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ AHDT Trương Định. Dịp này, UBND TX. Gò Công sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Trương Định là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đón nhận Bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh mộ bà Trần Thị Sanh.

Ngoài ra, TX. Gò Công còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa: Trưng bày kiểng cổ, bonsai tại Tượng đài AHDT Trương Định; họp mặt giao lưu CLB Xe cổ - Hội Honda 67; chiếu phim “Bình Tây Đại Nguyên Soái” của đạo diễn Phan Hoàng, Hãng phim TFS sản xuất và vở cải lương “Cờ nghĩa giồng Sơn Quy” của soạn giả Huỳnh Anh; chương trình biểu diễn văn nghệ của Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và giao lưu đờn ca tài tử tại Đền thờ AHDT Trương Định...

 

.
.
.