Thứ Hai, 21/11/2016, 20:32 (GMT+7)
.
ĐÌNH THẦN MỸ THUẬN TÂY (XÃ SONG THUẬN):

Những giá trị tâm linh và sự kiện lịch sử cách mạng

Đình thần Mỹ Thuận Tây (tọa lạc ấp Mỹ Thạnh, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng qua các cuộc kháng chiến.

Theo các sắc phong của vua Thiệu Trị và Tự Đức, đình được thành lập vào khoảng năm 1845, lấy tên là đình Mỹ Thuận Tây. Ban đầu đình được xây dựng bằng gỗ, cột căm xe, mái ngói âm dương, nền gạch tàu trên diện tích 1.200 m2, cửa chính quay về hướng Tây, hiện vẫn còn cây đa trên 100 năm tuổi trước cổng đình là minh chứng. Do trước năm 1975 ngôi đình nằm trong vành đai Bình Đức nên bị bom pháo nặng nề, hư hỏng nhiều. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), mái ngói âm dương bị sụp đổ, chỉ còn lại tứ trụ, kèo, xiên trính… Năm 2002, nhân dân 3 ấp Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa và Mỹ Phú đã đóng góp tiền, công sức trùng tu ngôi đình, vẫn mang kiến trúc truyền thống của đình làng Nam bộ. Hiện đình còn giữ được 4 sắc phong: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải (3 sắc), Bổn Cảnh Thành Hoàng (1 sắc) do vua Thiệu Trị và Tự Đức cấp vào các năm 1845, 1850, 1853 cùng nhiều vật thờ quý…

Đình thần Mỹ Thuận Tây không chỉ thờ các vị thần có công lập làng, lập ấp, cầu “mưa thuận gió hòa”, “nhân dân an lạc”, “non nước thái bình”, mà còn là cơ sở cách mạng với nhiều sự kiện quan trọng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tiêu biểu như: Vào những năm 1940, đình Mỹ Thuận Tây là nơi lực lượng cách mạng dùng để hội họp và tuyên truyền, vận động nhân dân lập Nông hội đỏ, các tổ vần đổi công… Để chuẩn bị cho cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, Chi bộ xã Song Thuận đã dùng đình làm nơi tuyên truyền, học tập cách tổ chức du kích quân, lối đánh du kích, công tác phá hoại cầu đường cho các thành viên và còn là nơi để chi bộ xã vận động nhân dân rèn dao, kiếm, luyện tập võ nghệ rất sôi nổi. Trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940, để làm suy yếu tinh thần và gây hoang mang cho địch, quần chúng nhân dân từ đình Mỹ Thuận Tây kéo vào chợ Vĩnh Kim, phối hợp với nhân dân các nơi khác căng biểu ngữ, rải truyền đơn, dùng gậy gộc, giáo, mác, nổi trống mõ liên hồi uy hiếp tinh thần binh lính địch, truy bắt tề làng và địa chủ, buộc chúng phải tháo chạy. Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ tại xã Song Thuận giành được thắng lợi.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh diệt giặc dốt, xóa mù chữ, với tinh thần người biết chữ dạy người chưa biết chữ, dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã, trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Thị Kim Chi (Ba Kim Chi), Tư Mực… đã mở lớp bình dân học vụ ở các ấp của xã, trong đó đình thần Mỹ Thuận Tây là nơi mở nhiều lớp học bình dân học vụ rất sôi nổi. Thông qua những lớp học này,  người dân đã đọc được báo chí, các tài liệu tuyên truyền của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Mặt khác, dựa vào các lớp học, cán bộ, đảng viên hoạt động hợp pháp, đã giáo dục nhân dân lòng yêu nước, tình đoàn kết, tinh thần ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến cứu quốc.

Tháng 7-1954, đồng chí Nguyễn Thanh Việt, Bí thư Chi bộ xã Song Thuận tổ chức míttinh, thông báo chiến thắng Điện Biên Phủ; cổ vũ quần chúng đấu tranh vạch trần âm mưu kéo dài chiến tranh của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, khiến địch rất hoang mang, lo sợ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đình là nơi tuyên truyền, nuôi giấu cán bộ, nên bọn địch ở Long Định, Vĩnh Kim, Đồng Tâm thường xuyên càn quét, bắn phá.

Năm 2013, đình Mỹ Thuận Tây được UBND huyện Châu Thành công nhận là Cơ sở thờ tự văn hóa và được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cách mạng vào đầu năm nay.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.