Thứ Bảy, 18/03/2017, 06:54 (GMT+7)
.

Vài suy nghĩ về xây dựng gia đình hạnh phúc

Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là trách nhiệm của toàn xã hội trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

Một gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho.     Ảnh: THU HOÀI
Một gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho. Ảnh: THU HOÀI

Nhận thức rõ điều đó, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Công tác gia đình các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện các đề án, nhiệm vụ do Trung ương chỉ đạo, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hằng năm…, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trong một bộ phận gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xuất hiện tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, dẫn đến sự rạn nứt của gia đình; tình trạng ly hôn có xu hướng tăng cao; ngoại tình, sống chung không kết hôn; tệ nạn mại dâm, tình dục đồng giới; tình trạng trẻ em nghiện hút, trẻ em phạm tội, lang thang; bạo lực gia đình; xu hướng tôn sùng tiền bạc trong quan hệ giữa người với người... Nguyên nhân của những tình trạng trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình, công tác quản lý Nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của đất nước; những mặt tích cực của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được phát huy; nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời…

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh sẽ xây dựng một xã hội tốt và ngược lại.  Thế nên, việc thực hiện Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, tạo điều kiện cho mọi thành viên trong gia đình nâng cao kiến thức về mọi mặt, trong đó có kỹ năng sống để chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống...

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 năm nay, mọi thành viên trong gia đình hãy yêu thương và cùng chia sẻ bằng những hành động thiết thực để mang lại hạnh phúc cho chính bản thân và góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.