Chủ Nhật, 07/05/2017, 06:09 (GMT+7)
.

Nick Út tặng bức ảnh "Em bé Napalm" cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Trong chuyến trở về Việt Nam lần này, ngày 6-5, nhiếp ảnh gia Nick Út – cựu phóng viên ảnh hãng thông tấn AP (Hoa Kỳ) đã tặng những bức ảnh về “Em bé Napalm” cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nhiếp ảnh gia Nick Út trao bức ảnh “Em bé Napalm” cho Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân. Ảnh: Minh Châu
Nhiếp ảnh gia Nick Út trao bức ảnh “Em bé Napalm” cho Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân. Ảnh: Minh Châu

Những bức ảnh “Em bé Napalm” mà nhiếp ảnh gia Nick Út (tên thật là Huỳnh Công Út) tặng lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gồm 5 bức: 4 ảnh do ông chụp và 1 ảnh do đồng nghiệp chụp có hình ông trong chuỗi ảnh chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8/6/1972.

5 bức ảnh đen trắng không chỉ là câu chuyện của cuộc chiến, của lịch sử, mà còn là câu chuyện của tình người, của sự kết nối bền vững và truyền cảm hứng cho cuộc sống hôm nay.

Chỉ 4 giờ sau khi được gửi đi từ Sài Gòn, bức ảnh đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam tới Tokyo (Nhật Bản) và New York (Hoa Kỳ) rồi tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới, châm ngòi cho phong trào phản chiến ở Mỹ và nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh khắp châu Âu lúc bây giờ. Cũng chính bức ảnh đã mang về cho tác giả giải thưởng Pulitzer danh giá, làm thay đổi số phận của nhân vật chính – cô bé Kim Phúc. Từ nạn nhân của chiến tranh, Kim Phúc đã trở thành đại sứ hòa bình của Liên hợp quốc, đi khắp thế giới để nói về chiến tranh việt Nam, cả những di chứng và vết thương đã khép lại. Kim Phúc và Nick Út vẫn liên lạc với nhau thường xuyên, cô gọi Nick là cậu Út với tất cả sự thân thương như người trong gia đình.

Nick Út  là một cái tên nổi tiếng trong làng báo chí quốc tế. Ông sinh ngày 29/3/1951 tại Long An, là phóng viên ảnh cho hãng AP có văn phòng tại Sài Gòn từ năm 16 tuổi. Vào thời kỳ đó, Nick Út  đã đi khắp các chiến trường ở Việt Nam, Lào và Campuchia để tác nghiệp và nhanh chóng trở thành phóng viên chiến trường giàu kinh nghiệm.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông được điều động sang làm cho hãng AP tại Nhật Bản và đến năm 1977, ông chuyển sang định cư tại Los Angeles (Hoa Kỳ). Nick Út tâm sự, sâu thẳm trong trái tim, ông vẫn tự hào với cái tên Việt Nam và là người Việt Nam. Sau 51 năm cống hiến cho hãng AP, khi không còn quá bận rộn với công việc, ông mong muốn được gửi lại thành công của mình tới một nơi để lưu trữ lịch sử cho thế hệ trẻ mai sau.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.